Nhóm đối tượng “côn đồ” chịu trách nhiệm trước pháp luật

Trong hai ngày 04, 05/6/2024, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án Bùi Quốc Thắng cùng 04 đồng phạm, về tội “Cố ý gây thương tích”.

Theo nội dung Cáo trạng: Phan Thị Huỳnh Như và Nguyễn Văn Đây có quan hệ tình cảm với nhau. Ngày 11/01/2024, Như chia tay Đây vì lý do Đây sắp đi nghĩa vụ quân sự nên không chờ đợi được. Sau đó, Như quen biết Bùi Quốc Thắng, nói với Thắng thường bị Đây nhắn tin làm phiền. Ngày 19/01/2024, Thắng sử dụng điện thoại nhắn tin trên ứng dụng Messenger kêu Đây chiều lên gặp Như để nói chuyện dứt khoát về tình cảm.

Quang cảnh phiên tòa

Đến 17 giờ cùng ngày, Như gặp Đây trên đường thuộc ấp An Hòa, xã An Hòa, huyện Châu Thành nên dừng lại để nói chuyện. Lúc này, Thắng điều khiển xe mô tô  chở Dương Ngọc Hòa đến và gọi điện kêu Phan Hoàng Huy (sinh năm 2008) đến đánh Đây. Huy rủ Nguyễn Đăng Khoa (sinh ngày 14/02/2007), Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Hoàng Lực (sinh ngày 22/12/2007) tiếp Thắng đánh Đây. Huy điều khiển xe mô tô chở Hậu, Khoa và Lực đến nhà Lực lấy một cây dao (loại dao giọt lệ) rồi đến nơi Đây đứng nói chuyện với Như. Thắng dùng tay phải chỉ Đây và Hòa nháy mắt quay mặt về hướng Đây cho Huy thấy, Huy dùng tay phải đánh 02 cái vào người của Đây, Hậu dùng nón bảo hiểm đánh 03 cái vào lưng của Đây, Lực cầm dao chém 02 nhát vào lưng của Đây; Lực tiếp tục chém thêm 02 nhát, Đây đưa tay trái lên đỡ nên bị Lực chém vào tay gây thương tích. Sau đó, cả nhóm bỏ đi. Riêng Đây được Như và gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang (tỷ lệ thương tật 20%).

Tại phiên tòa, các bị cáo Bùi Quốc Thắng, Dương Ngọc Hòa, Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Lực thừa nhận hành vi phạm tội. Vì muốn thể hiện bản thân, Thắng là người khởi xướng và rủ rê Hòa, Huy, rồi Huy rủ thêm Hậu, Khoa, Lực chuẩn bị hung khí gây thương tích cho bị hại. Các bị cáo đã hối hận về hành vi phạm tội của mình, xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Trong vụ án này, các bị cáo không quen biết, mâu thuẫn nhưng đã cố ý thực hiện hành vi gây thương tích cho người bị hại. Hành vi của các bị cáo đã thể hiện tính chất côn đồ, xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác; thực hiện một cách công khai, gây mất trật tự trị an địa phương và xem thường pháp luật. Dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Bùi Quốc Thắng 02 năm 06 tháng tù, Nguyễn Văn Hậu 02 năm 03 tháng tù, Dương Ngọc Hòa 02 năm tù, Nguyễn Hoàng Lực 01 năm 09 tháng tù, Nguyễn Đăng Khoa 01 năm 06 tháng tù, cùng về tội “Cố ý gây thương tích”; buộc các bị cáo bồi thường cho người bị hại số tiền 61.000.000 đồng.

Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Châu Thành, tội phạm Cố ý gây thương tích có chiều hướng gia tăng về số lượng và tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác. Đáng chú ý những vụ án, các đối tượng là thanh thiếu niên tập tụ, sẵn sàng dùng hung khí nguy hiểm đánh, chém người khác để giải quyết mâu thuẫn hay đơn thuần chỉ để giúp đồng bọn thực hiện tội phạm dù bản thân không quen biết hay mẫu thuẫn gì với người bị hại. Những vụ án này đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân. Trong vụ án này, người bị hại đã được lệnh gọi lên đường nhập ngũ, để học tập, rèn luyện, thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của mình đối với gia đình, đất nước. Tuy nhiên, vì hành vi gây thương tích của các bị cáo mà bị hại phải điều trị thương tích trong thời gian dài, hoãn lại việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, ảnh hưởng đến bản thân người bị hại và công tác tuyển quân tại địa phương. Thiết nghĩ, mức hình phạt đã tuyên là tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, nhằm mục đích giáo dục các bị cáo trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội. Đồng thời, đây cũng là bài học cảnh tỉnh, giáo dục, răn đe cho những ai có ý định mong muốn giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống bằng con đường bạo lực.

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai Ngành Tòa án – Viện Kiểm sát đã thống nhất chọn, đăng ký, thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm. Đơn vị đã phân công cán bộ dự khán phiên tòa, học tập, đánh giá ưu, khuyết điểm của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Sau phiên tòa, đã tổ chức họp, nhận xét đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm. Qua đó, từng bước nâng cao trình độ nhận thức, bản lĩnh nghề nghiệp cho Kiểm sát viên, góp phần nâng chất hiệu quả công tác của đơn vị.

 

Thanh Tâm – VKSND huyện Châu Thành (T)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print