Viện Kiểm sát nhân dân huyện Chợ Mới triển khai thực hiện tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình

Ngay sau khi nhận Kế hoạch số 803/KH-VKS ngày 31/5/2024 của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh An Giang, về triển khai tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Lãnh đạo VKSND huyện Chợ Mới đã kịp thời triển khai, quán triệt đến công chức, Kiểm sát viên trong đơn vị cùng thực hiện.

Xác định việc nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên. Trên cơ sở quán triệt, chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND huyện Chợ Mới, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự đối với vụ án Võ Văn Nam về tội “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại ấp Mỹ An, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới. Ngoài việc phối hợp với Tòa án nhân dân huyện thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm, còn nhằm góp phần tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật cho người dân về phòng, chống bạo lực gia đình.

Phiên tòa được diễn ra sáng ngày 06/6/2024, có sự tham gia phối hợp của Đài Truyền thanh huyện đưa tin, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện.

Quang cảnh phiên tòa

Theo nội dung Cáo trạng: Năm 2022, Võ Văn Nam và Nguyễn Minh Hiếu sống chung như vợ chồng, tại nhà của Nam ở ấp Mỹ An, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới. Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 06/10/2023, sau khi uống rượu, do ghen tuông Hiếu với người đàn ông khác nên Nam dùng tay, chân, đánh, đạp vào người của Hiếu, làm Hiếu té ngã trúng vào giá võng bằng gỗ gây thương tích ở trán, Nam chở Hiếu đến Trạm y tế xã Mỹ An khâu vết thương rồi đến nhà Nguyễn Thị Tiền (cô ruột của Nam), ngụ cùng ấp để chơi. Tại đây, còn có Nguyễn Minh Bảo Vy, sinh ngày 12/3/2014 (con riêng của Hiếu). Do còn tức giận Hiếu, nên Nam lấy móc treo quần áo (loại bằng kim loại) trong nhà của Tiền bẻ thẳng, gấp làm đôi, đánh nhiều cái vào người Hiếu và Vy, sau đó Nam chở Hiếu và Vy về nhà, do nghi ngờ Hiếu lấy vàng của Nam cho người đàn ông khác, nên Nam tiếp tục dùng tay, chân, móc treo quần áo, cán chổi bằng nhựa, đánh, đạp nhiều cái vào người Hiếu và Vy, lấy kéo cắt tóc Hiếu, rồi đuổi Hiếu và Vy ra khỏi nhà. Hiếu dẫn Vy đến nhà trọ của Mai Thanh Tuyền (dì ruột của Hiếu) ở thành phố Long Xuyên, nói cho Tuyền biết sự việc bị Nam đánh. Khoảng 21 giờ cùng ngày, Hiếu thuê Lê Văn Nuôi (chạy xe mô tô thuê), chở Hiếu, Vy đến nhà Nam để lấy quần áo của Hiếu và Vy, thì bị Nam phát hiện và yêu cầu Nuôi dừng xe, Hiếu, Vy xuống xe bỏ chạy, Nam dùng tay, chân, khúc gỗ, đánh, đạp vào người Nuôi. Hiếu, Vy được gia đình đưa đi điều trị thương tích tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thành Phố Cần Thơ và trình báo sự việc đến Công an xã Mỹ An. Sau đó, Nam ra đầu thú. Kết luận giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của Nguyễn Minh Hiếu là 28%, của Nguyễn Minh Bảo Vy là 15%. Riêng,  Lê Văn Nuôi do chỉ bị sây sát ngoài da, nên từ chối giám định, không yêu cầu xử lý.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố đã xét hỏi, phân tích, đánh giá các chứng cứ có trong hồ sơ và xác định hành vi phạm tội của bị cáo. Trên cơ sở đề nghị của Kiểm sát viên và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã nhận định: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm, không những xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác, mà còn cho thấy tính côn đồ của bị cáo khi thực hiện hành vi bạo lực gia đình, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự tại địa phương, nên Hội đồng xét xử đã thống nhất quan điểm của Viện Kiểm sát, tuyên phạt bị cáo Nam 07 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, áp dụng quy định của pháp luật tuyên về các biện pháp tư pháp.   

Kiểm sát viên tranh luận tại phiên tòa

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Sự ra đời của nhiều đạo luật như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em,… là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành đối tượng, nạn nhân của bạo lực gia đình. Từ đó, công tác phòng, chống bạo lực gia đình có nhiều chuyển biến, kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực gia đình, nên một số nơi vẫn còn xảy ra các vụ, việc bạo lực gia đình, gây ra những hậu quả xấu cho gia đình và xã hội.

Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa tuyên án

Việc thực hiện phiên tòa giúp Kiểm sát viên của đơn vị tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực này. Đồng thời thông qua kết quả xét xử, đã góp phần trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, nhất là công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình  ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

 Kiều Tiên – VKSND huyện Chợ Mới(T)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print