Có thể hiểu, quyền con người là những quyền mà pháp luật cần phải thừa nhận đối với tất cả mọi người, đó là những quyền tự nhiên, vốn có, khách quan của con người được ghi nhận, bảo vệ theo quy định pháp luật và các thỏa thuận quốc tế. Ở Việt Nam, quyền con người được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện, đây là một trong những thành quả vĩ đại nhất của cách mạng nước ta, thể hiện sự tôn trọng của nhà nước đối với các quyền cơ bản của con người tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người như Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966, Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa năm 1966, Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1969, Công ước về Quyền Trẻ em năm 1989 và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm, Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người…
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người là nguyên tắc trong lĩnh vực lập pháp và mọi chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Để thực hiện được nhiệm vụ trên cần sự chung tay phối hợp của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân. Trên thực tế, vấn đề bảo vệ quyền con người trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp là vấn đề còn khá mới mẻ trong nhận thức của mọi người, ngay cả đối với các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Chính vì vậy, việc tìm hiểu và vận dụng các kiến thức về quyền con người vào thực tiễn công tác kiểm sát là hết sức quan trọng.
Tại khoản 3 Điều 107 Hiến pháp 2013 quy định: “Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Cụ thể hóa quy định trên, theo khoản 2 Điều 2 Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định: “Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.
Có thể thấy, việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện Kiểm sát có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ pháp luật, pháp chế, bảo vệ quyền con người. Việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Viện Kiểm sát được thể hiện trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, phát hiện kịp thời để đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật đối với người phạm tội xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có các quyền con người. Đồng thời, bảo đảm các quyền của con người của người bị tình nghi, bị can, bị cáo, người bị kết án được tôn trọng khi không bị pháp luật tước bỏ.
Với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, pháp luật hiện hành quy định Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện hai chức năng đó là “Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” (khoản 1 Điều 107 Hiến pháp 2013, khoản 1 Điều 2 Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014). Nói cách khác, hoạt động kiểm sát và hoạt động công tố là hai hoạt động khác nhau, với mục tiêu khác nhau. Một bên là bảo đảm cho pháp luật được thực hiện, được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, còn bên kia là tập trung vào việc phát hiện, điều tra, truy tố, buộc tội chính xác, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Bảo vệ quyền con người khi thực hành quyền công tố
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 thì: “Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự”.
Kiểm sát viên Phòng 1 thực hành quyền công tố tại phiên tòa
Có thể thấy, với chức năng thực hành quyền công tố, Viện Kiểm sát thực hiện việc buộc tội của nhà nước đối với người phạm tội và đề nghị mức hình phạt mà người phạm tội phải gánh chịu theo quy định của pháp luật. Hoạt động này một mặt chính là bảo vệ các quan hệ xã hội mà Bộ luật Hình sự bảo vệ, bị xâm phạm bởi người phạm tội một mặt xét đến các yếu tố khác (như nhân thân, động cơ, yếu tố lỗi của người bị hại…) nhằm đưa ra mức hình phạt phù hợp với hành vi nguy hiểm cho xã hội được gây ra bởi người phạm tội. Tức là, Viện Kiểm sát trong hoạt động công tố thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội và đưa ra mức hình phạt phù hợp đối với người phạm tội đã xâm phạm tới quyền con người của các cá nhân trong xã hội thông qua các hoạt động, biện pháp do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý. Tuy nhiên, hình phạt mà Bộ luật Hình sự quy định không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn mang tính nhân đạo, giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới, giáo dục người phạm tội biết tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Bảo vệ quyền con người khi kiểm sát hoạt động tư pháp
Về mặt pháp lý, tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, quyền tư pháp là một trong ba quyền lực cơ bản của nhà nước là một bộ phận không thể thiếu để nhà nước bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội. Mà để thực hiện quyền tư pháp cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Thi hành án mà chủ yếu là Tòa án nhân dân (khoản 1 Điều 102 Hiếp pháp 2013). Tuy nhiên việc giao quyền lực và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước cần thiết phải được đặt ra nhằm đảm bảo bộ máy nhà nước vận hành một cách hiệu quả và hạn chế việc vi phạm, lạm dụng quyền lực. Hoạt động tư pháp cũng không thoát ly được việc bị kiểm soát bởi cơ chế giám sát, kiểm soát này. Một trong những phương thức kiểm soát đó là kiểm sát hoạt động tư pháp, đây cũng là một phương thức kiểm soát việc thực hiện quyền lực tư pháp.
Trực tiếp kiểm sát nguồn tin tại Cơ quan Cảnh sát điều tra
Công an thành phố Châu Đốc
Trực tiếp kiểm sát nguồn tin tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thoại Sơn
Đối với kiểm sát hoạt động tư pháp, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 thì: “Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật”.
Qua đó ta có thể hình dung hoạt động công tố là hoạt động thực thi quyền lực, còn kiểm sát hoạt động tư pháp chính là hoạt động kiểm sát quyền lực nói cách khác kiểm sát hoạt động tư pháp là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước, có vai trò quan trọng trong phòng ngừa vi phạm pháp luật, khả năng lạm quyền trong hoạt động tư pháp. Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nếu Viện Kiểm sát phát hiện vi phạm thì có quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, cá nhân khắc phục vi phạm. Bên cạnh đó, so với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh và thống nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện hoạt động kiểm sát là việc tuân thủ theo pháp luật trong các hoạt động tư pháp như: Kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án hình sự; Kiểm sát việc giải quyết của Toà án đối với các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, các vụ án hình chính; Kiểm sát thi hành án, Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù… Đặc biệt, trong quan hệ tố tụng hình sự, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án bị hạn chế một số quyền cơ bản như: Quyền tự do thân thể, tự do đi lại, quyền tự do kinh doanh, quyền học tập, quyền bất khả xâm phạm về thân thể… Vì thế, việc kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát đối với nhóm quan hệ tố tụng trên cần phải chặc chẽ nhằm đạt hiệu quả cao, tránh việc lạm quyền hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng trên; mà để đảm bảo các quyền của người bị tình nghi, bị can, bị cáo, người bị kết án Viện Kiểm sát nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung cần thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và các luật, văn bản có liên quan.
Tóm lại, nhằm góp phần vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ngành Kiểm sát nhân dân với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp luôn không ngừng phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó đó là bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Anh Kiệt
Nguồn tin: Phòng 1 (Q)