Bản lĩnh Kiểm sát viên từng bước trưởng thành, hoàn thiện thông qua thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự là hoạt động thực hiện quyền năng tố tụng của ngành Kiểm sát nhân dân. Thông qua đó, Viện Kiểm sát thực hiện quyền năng pháp lý, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm… Chính công tác này đã “khắc họa” hình ảnh người Kiểm sát viên trước phiên tòa nói riêng và trong các tầng lớp Nhân dân nói chung.

Gắn với việc thực hiện Nghị quyết 49 ngày 02/6/2005 cùng Kết luận 84 ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, trong Kế hoạch công tác từng năm, VKSND tỉnh An Giang đều đề ra những nhiệm vụ cụ thể mà trọng tâm là việc thực hiện các phiên tòa rút kinh nghiệm. Đến nay, nhìn lại chặng đường gần 15 năm thực hiện, đó là cả một quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện của chiến lược cải cách tư pháp với nhiều thành tựu vẻ vang, to lớn, gắn liền với chức năng của Ngành và mục đích nâng cao trình độ, kỹ năng của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Kiểm sát viên công bố cáo trạng tại phiên tòa

* Từng bước “chuyển mình” trong công tác phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm

Năm 2008, VKSND tỉnh An Giang chưa tổ chức các phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp, mà tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp theo Chương trình, Kế hoạch đã đề ra. Đến đầu năm 2009, VKSND tỉnh An Giang thành lập Tổ công tác do Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh làm tổ trưởng, có trách nhiệm xây dựng Chương trình, Kế hoạch phối hợp cùng Tòa án tổ chức các phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp và kiểm điểm rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành Kiểm sát An Giang. Đồng thời mở rộng tiêu chí chọn án “Tất cả các vụ án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm có Luật sư tham gia đều đưa vào danh sách án thực hiện phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp”.

Tham gia xét xử phiên tòa lưu động tại địa phương

Trên những cơ sở ban đầu, ngày 02/6/2011, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp số 892, về việc “Tổ chức các phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp” đây có thể xem là văn bản phối hợp đầu tiên, “tiền thân” của Quy chế về tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm sau này.

Ngay sau ký kết, Ngành kiểm sát đã đẩy mạnh các hoạt động trong việc chọn án thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm; phân công Kiểm sát viên có năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Ngày 12/3/2012, đã phối cùng Tòa án đưa vụ án Võ Hoàng Hiếu (Hiếu Sport) cùng 39 đồng phạm, về các tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”, “Cố ý gây thương tích”, “Cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, “Làm nhục người khác”, “Bắt người trái pháp luật” và “Gây rối trật tự công cộng” ra xét xử sơ thẩm công khai. Sau 15 ngày xét xử, qua đánh giá, nhận định tính chất của vụ án trên đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử tuyên phạt Võ Hoàng Hiếu với 5 tội danh, tổng mức hình phạt 17 năm tù; các bị cáo còn lại mức án cao nhất 09 năm tù, thấp nhất 08 tháng 20 ngày. Việc các cơ quan tố tụng tỉnh An Giang điều tra, truy tố, xét xử đối với các bị cáo nêu trên được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn tại địa phương và có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Phiên tòa xét xử Võ Hoàng Hiếu cùng 39 đồng phạm tại Tòa án nhân dân
tỉnh An Giang

Qua 06 năm thực hiện, trên cơ sơ tổng hợp những vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện thể chế, quy trình tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, Tổ công tác Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang, tiến hành soạn thảo, tổng hợp và đến ngày 27/3/2018, lãnh đạo Tòa án và VKSND tỉnh An Giang đã tổ chức Lễ ký kết, triển khai Quy chế số 1331, về việc “phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp” giữa hai Ngành. Đây là Quy chế chính thức đầu tiên, quy định cụ thể, chi tiết các thao tác nghiệp vụ về công tác phối hợp trước, trong, và sau phiên tòa được tổ chức rút kinh nghiệm. Đặc biệt, quy chế đã quy định thêm việc phạm vi tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nội bộ đơn vị, cụm và toàn tỉnh dưới hình thức trực tuyến.

Lễ ký kết Quy chế số 1331, về việc “Phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp” giữa hai Ngành Tòa án – VKSND tỉnh An Giang

Ngay sau khi có hiệu lực, ngày 05/6/2018, VKSND tỉnh An Giang đã chủ động phối hợp Tòa án nhân dân tỉnh, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm toàn tỉnh, vụ án Lâm Văn Đởi, phạm tội “Giết người” “Hiếp dâm” đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm, quần chúng nhân dân phẫn nộ. Kết thúc phiên toà, Hội đồng xét xử tuyên xử phạt bị cáo mức án tử hình, về tội “Giết người” và 08 năm tù, về tội “Hiếp dâm”, tổng hợp hình phạt tử hình. Bản án đã tương xứng với tính chất nguy hiểm từ hành vi phạm tội của bị cáo, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe với xã hội.

Quá trình tổng kết từ thực tiễn, Tổ công tác kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại của Quy chế 1331, kịp thời tham mưu lãnh đạo Viện, phối hợp Tòa án nhân dân tỉnh An Giang có văn bản yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, đóng góp, hoàn thiện những mặt công tác cần phối hợp… Đến ngày 15/11/2019, hai ngành đã ký kết Quy chế phối hợp số 1332, thay thế Quy chế 1331 nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ phối hợp giữa 2 Ngành, nâng cao chất lượng các phiên tòa rút kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19, đáp ứng nhiệm vụ chính trị địa phương, 02 đơn vị đã chọn vụ án Nguyễn Văn Út cùng đồng phạm, về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”đưa ra xét xửrút kinh nghiệm vào ngày 08/6/2021. Các bị cáo đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, móc nối các đối tượng ở Vương quốc Campuchia đưa người Trung Quốc từ tỉnh Bình Dương thành phố Hà Tiên nhằm xuất cảnh trái phép sang Campuchia, gây ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước ta, gây tâm lý lo sợ, hoang mang về sự bùng phát của dịch bệnh trong xã hội vào những tháng ngày “cách ly”. Phiên tòa được rút kinh nghiệm toàn tỉnh, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh An Giang trực tiếp để đông đảo Nhân dân theo dõi. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử thống nhất quan điểm truy tố với Viện Kiểm sát, tuyên phạt mỗi bị cáo mức hình phạt từ 05 đến 07 năm tù.

Phiên toà xét xử vụ án Nguyễn Văn Út cùng đồng phạm

* “Sự trưởng thành” về nghiệp vụ của người cán bộ Kiểm sát thông qua thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm

Kể từ khi triển khai, lãnh đạo 02 Ngành đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp, thực hiện 1.483 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ, kỹ năng điều hành phiên tòa và công tác kiểm sát xét xử; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng Ngành và địa phương… Bên cạnh đó, việc phối hợp thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm đã từng bước góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ Kiểm sát viên, Thẩm phán, công chức có chức danh tư pháp của Viện kiểm sát, Tòa án trong tỉnh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan.

Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa từng bước khắc phục những khiếm khuyết trước đây; có thái độ ứng xử khiêm tốn, lịch sự và mang tính chất cầu thị đối với các ý kiến của bị cáo, Luật sư và những người tham gia tố tụng… Đồng thời, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên luôn tự giác không ngừng nghiên cứu học hỏi để bổ sung kiến thức, thường xuyên rút kinh nghiệm qua từng vụ án nhằm nâng cao trình độ chuyên môn; rèn luyện kỹ năng thành thạo, phản ứng nhạy bén, quyết đoán, sâu sát với hoạt động thực tiễn, nắm chắc pháp luật và đường lối chính sách của Đảng để vận dụng tại phiên tòa.

Các thế hệ Kiểm sát viên được bổ nhiệm, phát triển, trưởng thành
trong ngành Kiểm sát An Giang

Song song đó, việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng Nhân dân. Thông qua xét xử lưu động, hình ảnh người Kiểm sát viên trở nên “chân thật, gần gũi”; “màu áo thiên thanh” đã xuất hiện nhiều hơn và tầng lớp Nhân dân cũng hiểu thêm về vai trò, chức năng của Viện Kiểm sát trong xã hội pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Nhìn lại “những thước phim” quay chậm về tiến trình thành lập, phát triển và hoàn thiện, có thể nói Tổ công tác phiên tòa rút kinh nghiệm VKSND tỉnh An Giang luôn tiếp tục đổi mới mạnh mẽ từ trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành đến việc tổ chức, vận hành việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; từ việc theo dõi qua hệ thống camera của Tòa án đến việc dự khán đột xuất các phiên tòa… Từ đó, đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp của Đảng, có trách nhiệm, bản lĩnh và nêu cao đạo đức nghề nghiệp.

Ngày nay, trước sự tác động của nhiều mặt trái xã hội, với yêu cầu ngày càng cao đối với Ngành kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp, tập thể cán bộ hai cấp kiểm sát An Giang sẽ không ngừng phấn đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo cùng ý chí quyết tâm xây dựng Ngành phát triển vững mạnh. Thiết nghĩ, việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã và đang đi đúng hướng; đây là mô hình tự đào tạo, bồi dưỡng từ thực tiễn với phương châm “trăm hay không bằng tay quen”, mang lại hiệu quả thực tế cao để đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên học tập, rèn luyện kỹ năng tranh luận, mài dũa trí tuệ sắc bén để nắm vững các quy định của Luật, của Ngành, hoàn thiện bản thân “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, cũng cố niềm tin và tô đậm hơn hình ảnh người cán bộ mang “màu áo thiên thanh” trong quần chúng Nhân dân.

Thanh Tâm
Nguồn tin: Phòng 7 (G)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print