Đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ, Kiểm sát viên Ngành Kiểm sát nhân dân

Năm đức tính quý báu mà Bác Hồ kính yêu đã dạy người cán bộ kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” luôn thường trực trong tâm trí của mỗi người cán bộ, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân, đó là kim chỉ nam cho mọi hành động của người cán bộ kiểm sát. Trước đây, Viện Kiểm sát nhân dân còn là Viện công tố nằm trong Tòa án nhân dân trực thuộc Bộ Tư pháp, Bác Hồ đã dạy người cán bộ tư pháp phải: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Suy cho cùng dù lời dạy của Bác đối với cán bộ Tư pháp hay đối với cán bộ Kiểm sát thì vẫn chứa đựng đầy đủ phẩm chất đạo đức, lòng yêu nước, tư tưởng thương dân “Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Để tiếp tục phát huy đức tính tốt đẹp mà Bác Hồ đã dạy cũng như thực hiện nghiêm chủ trương đường lối của Đảng, các Chỉ thị, Nghị quyết, Quy chế nghiệp vụ của Ngành, gắn với việc xây dựng đội ngũ người cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm – kỷ cương, liêm chính – bản lĩnh, hiệu quảgóp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp của Đảng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật, có trách nhiệm, bản lĩnh và nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Theo đó:

– Vững về chính trị: Là có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không dao động trước những khó khăn, thử thách. Kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ công lý, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

– Giỏi về nghiệp vụ: Là có khả năng vận dụng tốt kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ vào hoạt động thực tiễn để tham mưu, giải quyết công việc có chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Thực hiện đầy đủ, thành thạo các thao thác, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực công tác được giao. Có năng lực phân tích, đánh giá, tổng hợp tốt về tình hình vi phạm, tội phạm và khả năng tham gia giải quyết các vụ, việc khó khăn, tính chất phức tạp. Trong chuyên môn nghiệp vụ không để xảy ra vụ, việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc xảy ra oan, sai, hoặc vi phạm quy chế nghiệp vụ của Ngành và các quy định của pháp luật về chuyên môn nghiệp vụ. Xây dựng hồ sơ kiểm sát chặt chẽ, đúng nội dung, trình tự quy định tại các Quy chế nghiệp vụ.

 – Tinh thông về pháp luật: Là hiểu biết, nắm vững và áp dụng đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, các quy chế nghiệp vụ của Ngành, nhất là các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công tác được giao để giải quyết công việc được chính xác, có chất lượng, hiệu quả. Vận dụng linh hoạt, nhạy bén các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn hoạt động nghiệp vụ, đồng thời biết gắn nhiệm vụ công tác được giao với yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng. Có khả năng tham mưu, hướng dẫn pháp luật trong công tác; không ngừng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mọi mặt vận dụng vào công tác.

– Công tâm:Là thực hiện nhiệm vụ, giải quyết công việc một cách khách quan, công bằng, đúng chính sách, pháp luật. Có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, không thiên lệch, định kiến, áp đặt chủ quan; không bị tác động, chi phối bởi các yếu tố bên ngoài. Khi đề xuất giải quyết một vụ việc, nhất là xem xét, đánh giá chứng cứ hoặc đường lối giải quyết một vụ án phải thật sự khách quan, đầy đủ, toàn diện. Trung thực, thẳng thắn, minh bạch trong giải quyết công việc.

– Bản lĩnh: Là có tinh thần dũng cảm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân; bảo vệ quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; không dao động trước sức ép, tác động tiêu cực. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; mạnh dạn đề xuất các hình thức, biện pháp để ban hành các quyết định phù hợp, đúng đắn giải quyết các nhiệm vụ được giao; có sáng kiến đổi mới trong công tác. Có thái độ kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Có ý thức phê bình và tự phê bình, dám nói thẳng, nói thật, khách quan, không nể nang, né tránh với ý thức xây dựng.

– Kỷ cương: Là có ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ, chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và của Ngành. Thực hiện đúng với thẩm quyền được giao, không lạm quyền hoặc làm trái công vụ.

– Trách nhiệm:Là nêu cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, thực hiện đầy đủ quyền hạn, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác; hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Có ý thức xây dựng đơn vị đoàn kết, vững mạnh; có tinh thần giúp đỡ, phối hợp với đồng nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ. Không lùi bước trước khó khăn, phức tạp trong công việc được giao; làm hết khả năng công sức để phục vụ yêu cầu nhiệm vụ. Không để xảy ra sai sót do lỗi chủ quan. Tôn trọng, lắng nghe ý kiến của quần chúng để giải quyết công việc khách quan, thận trọng, kịp thời. Tự giác nhận khuyết điểm về hậu quả, sai sót xảy ra trong giải quyết công việc do lỗi của bản thân. Kịp thời khắc phục những hậu quả, sai sót; không đùn đẩy đổ lỗi của mình cho người khác.

Để tiếp tục hưởng ứng có hiệu quả cuộc phát động trên, ngày 27/6/2023, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân và Công văn số 2543/VKSTC-V15 ngày 28/6/2023 về việc tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân, nhằm chỉ đạo cán bộ, Kiểm sát viên VKSND phải nghiêm chỉnh thực hiện và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên mẫu mực, ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh.

Những phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của người cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân đã quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và đã được cụ thể hóa trong các đạo luật có liên quan đến hoạt động tư pháp và quy chế ngành Kiểm sát nhân dân. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện đúng những quy định trên sẽ góp phần xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện, tạo được niềm tin với Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và là địa chỉ đáng tin cậy của nhân dân.

Hoàng Lưu

Nguồn tin: Phòng 10 (H)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print