Ngay từ đầu năm, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên đã xác định khâu kiểm sát việc giải quyết án dân sự là khâu công tác đột phá năm 2024, một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác này là phối hợp với Tòa án nhân dân mở các phiên tòa rút kinh nghiệm dân sự sơ thẩm. Trong 06 tháng đầu năm 2024, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên đã phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức được 10 phiên tòa rút kinh nghiệm sơ thẩm vụ án dân sự, kinh doanh thương mại vượt 100% chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.
Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát xét xử các vụ án dân sự thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm. Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố Long Xuyên tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp chia tài sản chung, nợ chung sau khi ly hôn; hợp đồng vay tài sản và đòi tài sản”, giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hợp; bị đơn là bà Trương Thị Lắm, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn luật sư Phan Văn Được; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn Tây, bà Phạm Thị Thùy Lĩnh, ông Phạm Huy Tính, Bùi Lâm Hoàng Tuệ, Trần Ngọc Sơn, Quỹ tín dụng nhân dân phường Mỹ Thạnh. Kiểm sát viên đã ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy thể hiện nội dung, thủ tục tố tụng, chứng cứ và quan điểm đề xuất giải quyết vụ án.
Quang cảnh phiên tòa
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, diễn biến và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Chia tài sản chung là quyền sử dụng đất theo GCN QSDĐ số BE 246373, thửa số 24, tờ bản đồ số 27, diện tích 140,4m2, trong đó mục đích sử dụng: đất ở nông thôn diện tích 70m2 và đất trồng cây lâu năm diện tích 70,4m2, do Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên cấp ngày 26/5/2011 mang tên Nguyễn Văn Hợp, Trương Thị Lắm và giao nguyên đơn tiếp tục quản lý tài sản, đồng thời có nghĩa vụ hoàn lại giá trị tài sản cho bị đơn theo biên bản định giá tài sản ngày 05/01/2024; Buộc bị đơn có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông Hợp số tiền nợ chung trong thời kỳ hôn nhân 60.000.000 đồng.
Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn: Chia tài sản chung là quyền sử dụng đất nêu trên và giao nguyên đơn tiếp tục quản lý tài sản, đồng thời có nghĩa vụ hoàn lại giá trị tài sản cho bị đơn theo biên bản định giá tài sản ngày 05/01/2024; Buộc ông Lợi phải trả cho ông Bùi Lâm Hoàng Tuệ 75.000.000 đồng; ông Tính, bà Nga 18.000.000 đồng; trả lại cho bà Lắm 32.000.000 đồng. Không chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn: đối với yêu cầu chia tài sản chung là căn nhà trên đất; yêu cầu chia tài sản chung là xe ô tô tải biển số 67C – 030.50; buộc ông nguyên đơn trả tiền vay tín dụng FE 34.000.000 đồng, số tiền 15.000.000 đồng vì xây nhà vệ sinh, nhà tắm và cất nhà sau.
Chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Buộc ông Hợp, bà Lắm trả cho ông Phạm Huy Tính, bà Nguyễn Thị Nga 38.000.000 đồng; ông Bùi Lâm Hoàng Tuệ 150.000.000 đồng và tiền lãi theo mức lãi suất 10%/năm từ ngày 01/3/2023.
Đình chỉ giải quyết đối với khoản nợ ông Trần Ngọc Sơn số tiền 164.000.000 đồng.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử thống nhất toàn bộ quan điểm đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát căn cứ vào các Điều 29, 33, 37, 59, 61, 62 Luật Hôn nhân và Gia đình; Điều 463, 466, 468, 470 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Kết thúc phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên đã tiến hành họp rút kinh nghiệm, nhận xét, đánh giá những ưu điểm; chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm, nhất là kỹ năng kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên trực tiếp tham gia phiên tòa.
Kiểm sát viên Lê Hoàng Nhựt phát biểu quan điểm tại phiên tòa
Thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm dân sự sơ thẩm, Kiểm sát viên đã thực hiện tốt việc kiểm sát tuân theo pháp luật tố tụng của HĐXX, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng khác; tham gia hỏi; kỹ năng (ghi chép) bút ký; kỹ năng xây dựng bài phát biểu ở phiên tòa sơ thẩm; kỹ năng xử lý các tình huống pháp lý về tố tụng, nội dung; việc áp dụng pháp luật… Đồng thời, thể hiện được tác phong nghiêm túc, phát biểu quan điểm có tính thuyết phục thể hiện tốt vai trò, bản lĩnh của Kiểm sát viên trong thực hiện chức năng kiểm sát xét xử tại phiên tòa dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và Quy chế nghiệp vụ của ngành. Tuy nhiên, một số Kiểm sát viên còn hạn chế khi tham gia hỏi, câu hỏi sử dụng từ ngữ pháp lý gây khó hiểu cho đương sự, báo cáo nội dung vụ án còn thể hiện ý kiến của đương sự nên dẫn đến nội dung còn dài, chưa ngắn gọn, chưa thể hiện đầy đủ yêu cầu của đương sự, phần phát biểu tại phiên tòa to, rõ ràng, mạch lạc nhưng đôi khi còn nhanh. Tăng cường tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm dân sự cho Kiểm sát viên đem lại hiệu quả làm chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động. Qua đó, những hạn chế, thiếu sót trước đây của Kiểm sát viên cơ bản đã được khắc phục, kỹ năng kiểm sát xét xử sơ thẩm được nâng lên rõ rệt. Mặt khác, tạo điều kiện cho Kiểm sát viên tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của Ngành, nhiệm vụ chính trị tại địa phương./.
Hải Yến, Hoàng Nghĩa – VKSND thành phố Long Xuyên (Q).