Hội thảo trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm CHLB ĐỨc về cải cách tư pháp và chức năng, nhiệm vụ của Viện Công tố Đức”

Ngày 11/11/2021, VKSND tối cao phối hợp với Viện Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức (IRZ), Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức tổ chức Hội thảo trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm CHLB ĐỨc về cải cách tư pháp và chức năng, nhiệm vụ của Viện Công tố Đức”. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao dự, chủ trì Hội thảo tại điểm cầu VKSND tối cao Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND tối cao Việt Nam đến điểm cầu Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và điểm cầu tại Berlin, CHLB Đức. Tham dự Hội thảo tại điểm cầu VKSND tối cao có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao. Tại điểm cầu phía CHLB Đức tham dự Hội thảo có bà Angela Schmeink, Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức và các Công tố viên đại diện Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng CHLB Đức.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao
phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cho biết, Việt Nam đang trong quá trình triển khai xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045 và Chiến lược cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn này. VKSND Việt Nam, với tư cách là một thiết chế quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của cải cách tư pháp; có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan đến đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND trong Chiến lược cải cách tư pháp.

Qua tìm hiểu, nghiên cứu và quá trình hợp tác thời gian vừa qua, lãnh đạo VKSND tối cao Việt Nam thấy Viện Công tố Đức là một điển hình của mô hình công tố mạnh; có tổ chức, hoạt động rất hiệu quả trong việc điều tra, truy tố tội phạm; đảm bảo sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật. CHLB Đức có hệ thống pháp luật mang nhiều đặc trưng của truyền thống pháp luật châu Âu lục địa và có một số điểm tương đồng với Việt Nam.

Đại biểu tham dự Hội thảo tại các điểm cầu

Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao mong muốn, trong bối cảnh thực hiện đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ được các chuyên gia của CHLB Đức thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quý báu về đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan Công tố CHLB Đức (Về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy,…) trong thực hiện cải cách để phía VKSND Việt Nam tham khảo, vận dụng vào cải cách tư pháp nói chung và cải cách VKSND Việt Nam nói riêng trong thời gian tới.

Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cũng yêu cầu đại biểu của VKSND Việt Nam tham dự tại các điểm cầu phát huy tinh thần trách nhiệm, cầu thị, thẳng thắn trao đổi những nội dung thiết thực nhằm học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác.

Theo kế hoạch, Hội thảo sẽ diễn ra trong 02 ngày 11, 12/11/2021. Tại Hội thảo, đại diện VKSND Việt Nam và các Công tố viên Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng CHLB Đức đã tham luận, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi một số nội dung mà hai bên cùng quan tâm, như: Định hướng cải cách tư pháp tại Việt Nam; chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự; tổng quan các quy định liên quan đến Cơ quan Công tố trong Hiến pháp, thực hiện quyền lực trong Nhà nước pháp quyền CHLB Đức; tổng quan về Cơ quan Công tố Đức, chức năng và nhiệm vụ, thực tiễn công tố;….

TG

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print