Trao đổi việc định tội danh Lý Văn A, Nguyễn Văn B đã phạm tội Cướp tài sản hay Cướp giật tài sản

Nội dung vụ án:
Do cần tiền tiêu xài nên ngày 13/3/2021, Lý Văn A điều khiển xe mô tô chở Nguyễn Văn B đến khu vực xã U, huyện Y tìm tài sản lấy trộm bán tiêu xài. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, A, B ghé vào quán nước của Chị E để uống nước, nhìn thấy trên cổ E và cháu Nguyễn Thị C (sinh năm 2019, cháu của chị E) mỗi người có đeo một sợi dây chuyền vàng, loại 18k, quan sát xung quanh thấy vắng người nên A nảy sinh ý định chiếm đoạt dây chuyền, liền cho B biết ý định của mình. Để thực hiện, A kêu B ra xe ngồi đợi, còn A đến quầy nước gặp chị B giả vờ gọi tính tiền, đợi lúc chị E mất cảnh giác thì bất ngờ A dùng tay phải xô mạnh vào vai chị E, đồng thời tay phải A đánh thẳng tới một cái trúng cằm làm chị E ngã ngữa vào vách nhà (vị trí E bị ngã đến vách nhà là 0.7m), tiếp theo A dùng tay giật lấy sợi dây chuyền bỏ chạy ra đường, khi chạy ngang chỗ cháu C đứng (cách chị B khoảng 4m), A tiếp tục giật lấy sợi dây chuyền của C. Xong, A chạy ra xe nổ máy cả hai bỏ chạy được một đoạn thì ngã xe, chị E đuổi theo tri hô cùng người dân vây bắt được A và B. Quá trình điều tra A khai nhận mục đích xô ngã, đánh chị E để A dễ dàng chiếm đoạt tài sản và tạo điều kiện để A có thời gian tiếp tục giật lấy sợi dây chuyền của C.  

Hiện vụ án có nhiều quan điểm về tội danh:
– Quan điểm thứ nhất, cho rằng hành vi của Lý Văn A, Nguyễn Văn B phạm tội “Cướp giật tài sản” quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự: Bởi, hành vi chiếm đoạt dây chuyền của A được thực hiện một cách công khai và chị E, cháu C biết ngay khi hành vi chiếm đoạt xảy ra. Ý thức công khai, nhanh chóng của A khi thực hiện hành vi chiếm đoạt được dây chuyền sẽ nhanh chóng điều khiển xe bỏ chạy, A không có ý định che giấu hành vi của mình. Còn việc, A xô chị E và dùng tay đánh vào cằm E một cái là để A nhanh chóng tiếp cận tài sản, nhanh chóng chiếm đoạt dây chuyền và nhanh chóng lẩn tránh (tẩu thoát). Với thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt dây chuyền và nhanh chóng tẩu thoát như vậy, A mong muốn chị E không có điều kiện để phản ứng kịp thời, ngăn cản việc chiếm đoạt.

– Quan điểm thứ hai, cho rằng hành vi của Lý Văn A, Nguyễn Văn B phạm tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự: Bởi A đã có hành vi dùng vũ lực (sử dụng tay xô chị E và dùng tay đánh vào cằm E một cái) nhằm mục đích làm cho chị E bị tấn công mất khả năng chống cự để chiếm đoạt tài sản của E và C (dây chuyền vàng 18K). Khi sử dụng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của người khác thì cấu thành tội “Cướp tài sản” mà không cần phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người thưc hiện hành vi phạm tội.

Song song với hai quan điểm trên lại có quan điểm cho rằng: Hành vi của A, B đã cấu thành hai tội “Cướp tài sản” và “Cướp giật tài sản”. Do A chỉ sử dụng vũ lực tấn công vào E để chiếm đoạt tài sản của E nên hành vi này chỉ cấu thành tội “Cướp tài sản”. Ngoài ra, A còn có hành vi và thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt dây chuyền của C bằng cách giật xong nhanh chóng tẩu thoát đã cấu thành tội “Cướp giật tài sản”.

Trên đây, là một số quan điểm trao đổi về hành vi phạm tội của Lý Văn A, Nguyễn Văn B rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ các đồng nghiệp.

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print