Thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân được Viện trưởng VKSND tối cao và lãnh đạo VKSND các cấp quan tâm chỉ đạo, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ của Ngành. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT trong Ngành vẫn còn nhiều hạn chế, như: Hạ tầng CNTT còn thiếu và yếu; phần mềm ứng dụng CNTT chưa đủ; chất lượng, hiệu quả khai thác, sử dụng chưa cao;…
Để tạo bước chuyển biến tích cực trong việc tăng cường ứng dụng CNTT và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn nghiệp vụ và khắc phục khó khăn do thiếu biên chế; đồng thời, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, theo lộ trình tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu:
– Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp phải xác định việc tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành là khâu đột phá, trọng tâm của năm 2021 và các năm tiếp theo để tập trung chỉ đạo trong quá trình thực hiện hiện vụ.
– Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) chủ trì phối hợp với Cục Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng VKSND tối cao và đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, đề xuất với Viện trưởng VKSND tối cao đầu tư các dự án mở rộng và nâng cấp hạ tầng CNTT và các phần mềm ứng dụng CNTT, theo lộ trình, có thứ tự ưu tiên phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư, phục vụ triển khai ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành; bảo đảm tính kế thừa và phát triển; liên thông các ứng dụng CNTT.
– Cục 2 VKSND tối cao chủ trì phối hợp với Văn phòng VKSND tối cao triển khai nghiêm túc và đẩy đủ các biện pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng phù hợp với quy định của pháp luật.
– Cục 2 VKSND tối cao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Quy hoạch phát triển ứng dụng CNTT giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch Chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân với lộ trình thực hiện cụ thể, đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND tối cao và các đơn vị trong Ngành.
– Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm rà soát, đánh giá các phần mềm ứng dụng CNTT đang sử dụng để đề xuất nâng cấp hoặc xây dựng mới nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ của đơn vị, của Ngành.
– Văn phòng VKSND tối cao tham mưu lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư về CNTT, chuyển đổi số trên cơ sở kinh phí được cấp bảo đảm đúng quy định của pháp luật, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, không để xảy ra lãng phí, thất thoát trong đầu tư.
– Cục Kế hoạch – Tài chính VKSND tối cao có trách nhiệm đề xuất nguồn kinh phí đầu tư cho CNTT; tham mưu phân bổ kinh phí phù hợp và kiểm tra việc sử dụng kinh phí CNTT của các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng quy định.
– Viện trưởng VKSND cấp tỉnh chủ động đề xuất, tranh thủ thêm sự hỗ trợ của địa phương để đầu tư cho CNTT.
– Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao xác định biên chế, tuyển dụng kỹ sư CNTT cho Cục 2 bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tham mưu, đề xuất lãnh đạo VKSND tối cao ban hành chính sách, chế độ nhằm thu hút nguồn nhân lực phục vụ công tác phát triển CNTT trong Ngành.
– Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Cổng thông tin điện tử và các Trang thông tin điện tử tăng cường thông tin, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng, tình hình ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của các đơn vị trong Ngành.
Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo VKSND tối cao (qua Cục 2) để được hướng dẫn kịp thời.
TG (Giới thiệu)