Đôi dòng tản mạn

Mỗi năm khi gần đến ngày thành lập Ngành, tôi lại bâng khuâng không biết viết gì.

Đứng ra nhận trách nhiệm xong tôi bỗng nhớ tới nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu khi được Trưởng phòng giao cho chuẩn bị cho bộ sưu tập ảnh bìa lịch năm sau, anh lang thang trên bãi biển hàng tháng trời để “phục kích” chụp ảnh và cuối cùng “Chiếc thuyền ngoài xa” ra đời.

Tôi biết mình không thể làm nên cơm cháo gì như Nguyễn Minh Châu nhưng cũng mãi lang thang suy nghĩ để tìm chủ đề, song rốt cuộc lại chẳng biết viết gì, thôi thì nghĩ gì viết đó, tản mạn đôi dòng.

Định danh… Kiểm sát

Trong những năm gần đây, ngành Kiểm sát có nhiều giải pháp tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ngành, kết quả đã đạt được nhiều nét khả quan, song vẫn còn một bộ phận không nhỏ… chưa biết đến Ngành, nghĩ cũng buồn.

Đơn cử bản thân tôi, ngại nhất khi về quê, dù quê tôi không phải vùng trũng của tỉnh, nhưng nhiều người gặp, hỏi tôi làm ở đâu, tôi nói làm ở Viện Kiểm sát, họ hỏi Kiểm sát là gì? Khổ cái, nói Công an, nói Toà án thì họ biết, còn nói Kiểm sát thì mặt họ ngơ ra, rồi hỏi tiếp làm Kiểm sát là làm cái gì? Tôi nói Kiểm sát là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp…, họ lại ngơ tiếp. Thực tế mà nói, nếu một người dân, hoặc chưa từng… “không may” dính đến tố tụng, chưa có dịp tiếp xúc, liên hệ công tác, hoặc không có người thân quen làm Kiểm sát thì rất ít ai biết đến Ngành.

Ảnh: Nét đẹp Kiểm sát

Còn một thực tế đáng buồn hơn, là không chỉ người dân, mà các ban, ngành cấp huyện, cấp tỉnh, thỉnh thoảng vẫn viết hoặc gọi nhầm “Viện Kiểm soát” thay vì “Viện Kiểm sát”, đôi khi tiện thì góp ý, không tiện thì… chỉ biết cười trừ, cho qua.

Tôi còn nhớ trong một lần tham dự Hội diễn văn nghệ của Ngành tại Hậu Giang, một Nghệ sỹ ưu tú được mời dẫn chương trình, trên sân khấu, trước hàng nghìn khán giả mà anh cứ “Viện Kiểm soát”, “Viện Kiểm soát” mãi, khiến ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Do vậy, làm thế nào để mỗi người dân đều biết đến Ngành, để không còn “Kiểm soát” khi nói đến “Kiểm sát” vẫn đang là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền, mang tính dài hơi và không của riêng ai.

Thay đổi để tốt hơn

Đến nay chắc hẳn ai cũng đã nghe, đã biết đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Cách mạng công nghệ 4.0 vì độ phổ biến của nó trong những năm gần đây. Đây là một vấn đề lớn, ở đây tôi chỉ muốn nói đến sự trở mình của ngành Kiểm sát An Giang trước công cuộc chuyển đổi số.

Trong cách mạng công nghiệp lần này thì cách mạng công nghệ số giữ vai trò chủ đạo, bởi nó là một cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện, giúp chuyển dịch từ thế giới thực vào thế giới số, làm thay đổi cơ bản nhiều vấn đề, nhất là cách thức vận hành và hiệu quả mang lại.

Khái quát cơ bản về công cuộc chuyển đổi số của ngành Kiểm sát có thể được hiểu qua bài viết “Chuyển đổi số là quá trình sáng tạo lại tổ chức trên môi trường số” được trích từ bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại buổi làm việc với VKSND tối cao được đăng tại trên Tạp chí Kiểm sát online (link https://kiemsat.vn/ chuyen-doi-so-la-qua-trinh-sang-tao-lai-to-chuc-tren-moi-truong-so-61431.html).

Hiểu rõ tầm quan trọng và sự đòi hỏi bức thiết của chuyển đổi số, trong những năm gần đây, công tác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số luôn được VKSND các cấp quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Song hiểu, nhận thức và quan tâm là một chuyện, thực hiện lại là chuyện khác, bởi nó hoàn toàn không dễ.

Ảnh: Tuyên truyền chuyển đổi số

Thực hiện chỉ đạo của VKSND tối cao, Ban Cán sự đảng, Ban lãnh đạo VKSND tỉnh An Giang trong những năm qua đã tăng cường chỉ đạo việc thúc đẩy, thực hiện chuyển đổi số tại VKSND hai cấp, với quyết tâm dù khó đến mấy cũng phải thực hiện bằng được, với tinh thần “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”.

VKSND tỉnh An Giang từng là một trong những tỉnh đứng đầu toàn Ngành về ứng dụng công nghệ thông tin, từ việc thực hiện tốt bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin, về lắp đặt hệ thống camera quan sát phiên toà trực tuyến, việc sử dụng sách điện tử Ebook… nhưng khi cùng toàn Ngành bước vào công cuộc chuyển đổi số vẫn đang gặp nhiều khó khăn, mà khó khăn, rào cản lớn nhất là thói quen. Bởi nhân tố con người quyết định mọi sự phát triển, nhưng việc sửa đổi một thói quen thật không dễ dàng. Không phải khi không ông bà ta lại nói “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.

Cũng giống như thói quen thanh toán tiền mặt của người dân, do nó đã có từ rất lâu, ăn sâu vào tiềm thức của người dân, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về độ an toàn; ai kêu thanh toán, nhận thanh toán chuyển khoản là cứ “không biết”, “không rành”, “không thích” … khiến cho việc tuyên truyền, vận động thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao. 

Nhưng trước đòi hỏi bức thiết của xã hội, có thể nói, dù muốn dù không, đã đến lúc mỗi người bắt buộc phải thay đổi thói quen để trở mình, hòa chung vào sự phát triển của xã hội, không riêng gì ngành Kiểm sát.

Có thể không liên quan, nhưng mỗi khi nói đến chuyển đổi số, tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhân vật Hamlet trong vở kịch cùng tên của Shakespeare “To be, or not to be, that is the question” (Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề).

 

Tấn Để

Văn phòng (D)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print