Chi bộ khối hình sự tổ chức sinh hoạt chuyên đề năm 2022, về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Thực hiện Kế hoạch số 05KH/ĐU ngày 28/5/2022 của Chi bộ Khối Hình sự, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngày 13/9/2022, Chi bộ Khối Hình sự tiếp tục triển khai sinh hoạt Chuyên đề 2 về Xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đến toàn thể đảng viên tại buổi họp lệ của Chi bộ.

(Toàn cảnh buổi sinh hoạt)

Tại buổi sinh hoạt, toàn thể đảng viên Chi bộ đã được Tổ thuyết trình giới thiệu những nội dung cơ bản về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng đảng và học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thể hiện qua từng vấn đề:

1.Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.

Trong thời gian qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng nêu ra và chỉ đạo từ rất sớm, bằng nhiều Chỉ thị, Nghị quyết qua nhiều thời kỳ. Nhất là Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều cách làm mới, sáng tạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan toả sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng bước trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra những đột phá trong việc phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Kết quả từ trong phong trào học tập và làm theo Bác đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình, thực sự có sức lan toả trong xã hội, khơi dậy tình cảm, động lực, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và mong muốn cống hiến, phụng sự đất nước trong mọi tầng lớp xã hội, cổ vũ toàn thể nhân dân ta kiên định, hăng hái, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

(Các đồng chí Nguyễn Hoàng Anh Thảo, Trịnh Thị Mỹ Tâm, Lê Tùng Dương trình bày chuyên đề)

2. Thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đề cao chức trách, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong Chi bộvề “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Người đã khái quát thành những phẩm chất chung, cơ bản nhất của con người Việt Nam trong thời đại mới là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Thực tiễn cách mạng đã khẳng định rằng, đạo đức cách mạng về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi vào nếp nghĩ, thói quen, phong cách, lối sống của đa số cán bộ, đảng viên; đồng thời cũng là tiêu chuẩn phấn đấu, tiêu chí để phân loại, đánh giá chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người.

Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương tiêu biểu đó, vẫn có không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm trước công việc, chức trách được giao; ngại rèn luyện, sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh… Nhận thức được việc rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của cán bộ, đảng viên là rất quan trọng, ngay từ đầu năm, Chi bộ Khối hình sự đã chọn nội dung rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để cán bộ, đảng viên học tập và làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích ý nghĩa và mối liên quan của những từ này một cách đơn giản, rõ ràng và rất dễ hiểu, gồm:

Cần: Tức là lao động cần cù, siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng. Cần còn là làm việc một cách thông minh, sáng tạo, có kế hoạch, khoa học. Theo Bác, con người có đức “cần” thì việc gì dù khó khăn đến mấy cũng làm được, “Kiến tha lâu cũng đầy tổ, nước chảy mãi đá cũng mòn”. Bác lưu ý, kẻ địch của “cần” là lười biếng. Nếu có một người, một địa phương, hoặc một Ngành mà lười biếng thì khác nào toàn chuyến xe đang chạy, mà có một bánh trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả một chuyến xe. Vì vậy người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc.

Kiệm: Tức là tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền của dân, của nước, của bản thân; không phô trương hình thức, xa xỉ, hoang phí. Cần và kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm thì như gió vào nhà trống, như nước đổ vào cái thùng không đáy, làm chừng nào xào chừng ấy, rốt cuộc không lại hoàn không. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm và không phát triển được. Đồng thời, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, khi không đáng tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu, nhưng khi có việc cần làm lợi cho dân, cho nước thì hao bao nhiêu của, tốn bao nhiêu công cũng vui lòng, như thế mới là kiệm.

Liêm: Nghĩa là trong sạch, luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của dân không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Chữ “liêm” và chữ “kiệm” phải đi đôi với nhau như chữ “kiệm” phải đi đôi với chữ “cần”. Có kiệm thì mới liêm được, bởi xa xỉ ắt sinh tham lam, không giữ được liêm. Bác cũng chỉ rõ ngược lại với chữ liêm là tham ô, là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét nhân dân, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của nhà nước là quỹ riêng cho cá nhân mình. Muốn liêm thật sự thì phải chống tham ô.

Chính: Nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn tức là tà. Nói về chính, Bác viết: “Một người phải cần, kiệm, nhưng còn phải chính nữa mới là người hoàn toàn. Trên quả đất có hàng muôn triệu người sống, số người ấy có thể chia thành hai hạng: Người thiện và người ác. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc, song, những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc chính và việc tà. Làm việc chính là người thiện, làm việc tà là người ác”. Như vậy, chính tức là việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ cũng hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ cũng hết sức tránh. Cán bộ, công chức là những người làm việc công cho nên “Chính” còn là sự công tâm, công đức khi giải quyết công việc.

Chí công: Là hết mực công bằng, công tâm. Vô tư: Là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị “tư ân, tư huệ hoặc tư thù, tư oán”, đem lòng chí công, vô tư đối với người, với việc. Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Muốn “chí công vô tư” phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân.

(Đồng chí Nguyễn Thị Kim Hường kết luận chuyên đề)

Trong thời gian qua, Chi bộ Khối hình sự luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn. Các đồng chí trong Chi ủy đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, đặc biệt là việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với Ngành Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

– Về rèn luyện phẩm chất cần: Chi bộ đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên phải làm việc cần cù, siêng năng trong nghiên cứu hồ sơ nói riêng và trong tất cả các công việc nói chung. Ngoài công việc chuyên môn, các đảng viên trong Chi bộ còn tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do ngành và địa phương phát động. Từ đó tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi để các cán bộ, công chức công tác ngày càng tốt hơn. Cán bộ, đảng viên trong Chi bộ đều cần cù, siêng năng trong nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ cho công việc.

– Về rèn luyện phẩm chất kiệm: Cán bộ, đảng viên của Chi bộ luôn có ý thức tiết kiệm, giữ gìn và bảo vệ tài sản của cơ quan, đơn vị như tiết kiệm điện sinh hoạt, điện thoại, nước sinh hoạt, văn phòng phẩm; không sử dụng xe công của cơ quan vào công việc riêng…

– Về rèn luyện phẩm chất “Liêm, chính, chí công vô tư”: Thực hiện lời dạy của Bác đối với ngành kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, cán bộ, đảng viên của Chi bộ trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc đều đảm bảo các vụ việc được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, không để xảy ra các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Cán bộ, đảng viên của Chi bộ đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, không sa ngã trước những cám dỗ của vật chất, giữ gìn được cái tâm trong sáng và đạo đức nghề nghiệp. Qua học tập phong cách làm việc của Bác, cán bộ, đảng viên của Chi bộ đều ứng xử trong thi hành công vụ, ứng xử nơi công sở với tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân nghiêm túc, tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; tập thể đơn vị đoàn kết, người đi trước có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ người đi sau; lãnh đạo đơn vị luôn noi gương cho cán bộ noi theo để mỗi cán bộ, Kiểm sát viên ngày càng ý thức trách nhiệm trong công tác cũng như trách nhiệm với nhân dân.

Thiết nghĩ, việc rèn luyện phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải chỉ là những lời nói, những lý luận một chiều mà việc tu dưỡng, rèn luyện các phẩm chất đạo đức này phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong sinh hoạt, học tập, lao động; trong mối quan hệ từ gia đình đến xã hội; từ quan hệ bạn bè, đồng chí, anh em đến quan hệ tập thể; giữa cấp trên với cấp dưới, với Đảng, với nhân dân… đó mới chính là điều ý nghĩa nhất thể hiện sự biết ơn và lòng ngưỡng mộ vô hạn của nhân dân Việt Nam đối với tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác.

Tác giả: Thanh Tâm

Nguồn tin: Chi bộ Khối Hình sự (G)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print