Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng sơ đồ tư duy trong báo cáo án

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân; Kế hoạch số 1763/KH-VKS ngày 29/12/2023 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang; Kế hoạch số 259/KH-VKS ngày 15/01/2024 của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên về chuyển đổi số ngành Kiểm sát An Giang năm 2024, xác định mục tiêu chuyển đổi số áp dụng sơ đồ tư duy vào giải quyết, báo cáo án. Các vụ án hình sự, dân sự phức tạp Kiểm sát viên phải thực hiện báo cáo bằng sơ đồ tư duy.

Ngày 04/5/2024, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên đã tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng sơ đồ tư duy trong báo cáo án bằng phần mềm Xmind. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Quốc Toản – Thành ủy viên, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Long Xuyên; các đồng chí Phó Viện trưởng và toàn bộ Kiểm sát viên, công chức đơn vị tham dự.

Quang cảnh buổi hội nghị

Sơ đồ tư duy hay còn được biết đến với tên tiếng Anh là Mindmap là 1 công cụ giúp ghi chú thông tin, diễn giải các ý tưởng 1 cách thông minh, trực quan qua việc sử dụng từ ngữ ngắn gọn cùng hình ảnh bắt mắt. Trong việc báo cáo vụ án, sơ đồ tư duy là công cụ hỗ trợ, giúp cho Kiểm sát viên trình bày các chứng cứ và vấn đề quan trọng của vụ án, có sự sắp xếp theo mục đích báo cáo đề xuất, các nội dung trong sơ đồ tư duy có sự kết nối nhau, mục đích nhằm chứng minh và làm rõ nội dung vụ án. Giúp Lãnh đạo Viện dễ nắm bắt nội dung và quan điểm đề xuất của Kiểm sát viên. Để xây dựng sơ đồ tư duy bằng phần mền Xmind trong báo cáo án hiệu quả nhất, sơ đồ tư duy phải được xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung hướng dẫn của Ngành, quy định về công tác báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án theo Quy chế.

Tại hội nghị, Kiểm sát viên Lê Hoàng Nhựt đã chia sẻ các bước xây dựng sơ đồ tư duy vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” bằng phần mềm Xmind thông qua đăng nhập file word, đây là phương pháp giúp cho Kiểm sát viên xây dựng sơ đồ tư duy đạt được hiệu quả, tiết kiệm thời gian và kịp thời phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong vụ án. Riêng, đối với lĩnh vực dân sự thì phương pháp này là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các yêu cầu xác minh, kiến nghị, kháng nghị và mang tính đột phá đã được đơn vị xác định là khâu đột phá trong năm 2024.

Kiểm sát viên chia sẻ kinh nghiệm

Sơ đồ các bước xây dựng sơ đồ tư duy

Các bước xây dựng sơ đồ tư duy bằng phần mềm Xmind thông qua đăng nhập file word:

Bước 1: Công chức cần định hướng bố cục của sơ đồ tư duy theo mẫu của văn bản nào. Ví dụ:

– Lĩnh vực dân sự có thể xây dựng sơ đồ tư duy theo bố cục của Báo cáo đề xuất mẫu số 35/DS theo Quyết định số 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021 của Viện KSND Tối cao; bài Phát biểu, …

– Lĩnh vực hình sự có thể  xây dựng sơ đồ tư duy theo bố cục của Báo cáo đề xuất; Cáo trạng, luận tội, …

Bước 2: Công chức bắt đầu xây dựng đề cương bằng file word theo bố cục của văn bản đã chọn. Ứng dụng chức năng Heading trong Word để xác định cấp bậc của từng tập hợp. Theo đó, Heading 1 tương ứng tập hợp lớn; heading 2 tương ứng tập hợp nhỏ và tương tự heading càng nhỏ thì tập hợp sẽ càng nhỏ.

Ví dụ: Báo cáo đề xuất vụ án dân sự có bố cục gồm 3 nội dung chính: nội dung vụ án, thủ tục tố tụng và quan điểm đề xuất vụ án. Do đó, các nội dung này sẽ được đặt tương ứng là Heading 1; các nội dung cụ thể trong từng nội dung chính sẽ được đặt lần lượt là Heading 2, 3… Sau khi xây dựng xong đề cương công chức lưu file.

Đề cương xây dựng bằng file word

Bước 3: Công chức sử dụng phần mềm Xmind để mở đề cương đã xây dựng bằng file word tại bước 2. Thực hiện bằng các thao tác sau:

  – Mở phần mềm Xmind, sau đó bấm vào bất kỳ sơ đồ tư duy.

  – Vào File -> Import -> Đề cương xây dựng bằng file word tại bước 2.

  – Lựa chọn sơ đồ tư duy, màu sắc và trang trí sơ đồ tại thẻ Panel trong phần mềm Xmind.

Bước 4: Công chức kiểm tra lại sơ đồ tư duy và có thể bổ sung nội dung, thêm nhánh nhỏ, mối quan hệ hoặc đính kèm hình ảnh, ghi chú, tập tin và thậm chí là những đường link cần thiết. Sau đó, công chức lưu file.

Sơ đồ tư duy được xây dựng từ đăng nhập file word do Kiểm sát viên xây dựng

Việc báo cáo án có nội dung phức tạp, nhiều bị can (vụ án hình sự), nhiều đương sự, quan hệ tranh chấp (vụ án dân sự), tình tiết, chứng cứ cần được hệ thống khoa học thì ứng dụng phần mềm Xmind thông qua đăng nhập file word để xây dựng sơ đồ tư duy giúp cho Kiểm sát viên hệ thống được toàn bộ các thủ tục tố tụng, các tài liệu, chứng cứ một cách tiết kiệm thời gian, hiệu quả; nội dung vụ án được trình bày có logic, trực quan và sinh động hơn, thuận lợi trong việc nắm bắt và định hướng giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật, cũng như việc phát hiện những vi phạm, thiếu sót của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Tòa án để kịp thời đề ra yêu cầu, kiến nghị khắc phục vi phạm. Từ đó, nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong tiến trình cải cách tư pháp; hướng tới xây dựng nền tư pháp ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

 

Hải Yến – VKSND thành phố Long Xuyên

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print