Phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm tăng cường cho các Kiểm sát viên nâng cao trình độ nghiệp vụ, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi về kỹ năng trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình; các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động.
Quang cảnh phiên tòa
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Chợ Mới luôn chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm, điển hình vụ “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa bà Tống Thị Thu Nguyệt với ông Mai Đại Nam, bà Trần Thị Nguyệt, thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm nội bộ, được Tòa án đưa ra xét xử vào ngày 11/4/2024.
Theo hồ sơ vụ án: Năm 2019, bà Tống Thị Thu Nguyệt có cho ông Mai Đại Nam, bà Trần Thị Nguyệt vay tiền nhiều lần, hai bên thỏa thuận nếu ông Nam, bà Nguyệt không trả tiền cũ, nhưng vay thêm thì viết biên nhận mới, sẽ đổi biên nhận cũ. Đến ngày 18/9/2020, ông Nam, bà Nguyệt đã vay tổng cộng số tiền 1.350.000.000 đồng. Sau đó, tiếp tục vay thêm nhiều lần và được thể hiện trên biên nhận nợ ngày 18/9/2020 là 1.460.000.000 đồng. Ngày 18/01/2021, ông Nam, bà Nguyệt tiếp tục vay 800.000.000 để đáo nợ Ngân hàng có lập biên nhận nợ. Các khoản vay trên thỏa thuận lãi suất 03%/tháng, đã nhận lãi với số tiền 4.800.000 đồng. Nay, bà Tống Thị Thu Nguyệt yêu cầu ông Nam, bà Trần Thị Nguyệt trả 2.260.000.000 đồng. Rút lại yêu cầu tính lãi suất. Quá trình giải quyết vụ án, ông Nam, bà Trần Thị Nguyệt thừa nhận chỉ nợ bà Tống Thị Thu Nguyệt số tiền 360.000.000 đồng, theo biên nhận thể hiện là tổng cộng số tiền vốn, lãi, riêng khoản vay ngày 18/01/2021 đã trả xong.
Đây là loại tranh chấp phổ biến, cần làm rõ thời gian giao kết hợp đồng, thỏa thuận lãi suất, thời hạn vay; đồng thời đánh giá toàn diện các chứng cứ đương sự cung cấp để xác định số tiền vốn và lãi suất các bên thỏa thuận. Khi được phân công, Kiểm sát viên đã thực hiện tốt việc chuẩn bị tham gia phiên tòa theo đúng quy định của Ngành; trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, xây dựng hồ sơ kiểm sát, báo cáo Lãnh đạo bằng sơ đồ tư duy, dự thảo đề cương cùng những tình huống phát sinh và dự thảo bài phát biểu theo quy định.
Kiểm sát phát biểu tại phiên tòa
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng, tích cực, chủ động hỏi, kết hợp việc đối chất và công bố các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Kiểm sát viên đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung bài phát biểu đúng với diễn biến phiên tòa. Hội đồng xét xử tuyên án trên cơ sở đề nghị của Viện Kiểm sát: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Tống Thị Thu Nguyệt; buộc ông Mai Đại Nam, bà Trần Thị Nguyệt trả cho bà Tống Thị Thu Nguyệt số tiền 2.150.000.000 đồng; đình chỉ yêu cầu tính lãi suất và số tiền 20.000.000 đồng của bà Tống Thị Thu Nguyệt đối với ông Mai Đại Nam, bà Trần Thị Nguyệt; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tống Thị Thu Nguyệt đối với số tiền 90.000.000 đồng.
Kết thúc phiên tòa, đã tổ chức họp đóng góp ý kiến đối với ưu điểm, tồn tại, hạn chế của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử. Qua đó, rút kinh nghiệm nâng cao hơn nữa kỹ năng nghề nghiệp trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động.
Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện được tinh thần, ý thức trách nhiệm, vai trò của Kiểm sát viên; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án. Phiên tòa rút kinh nghiệm được xem là hình thức tự đào tạo, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình đã học hỏi, nâng cao được trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên tòa, tích lũy kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Đoàn Trang – VKSND huyện Chợ Mới (T)