Ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động tố tụng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó việc mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng gặp không ít khó khăn.

Thực hiện Quy chế phối hợp số 1345 ngày 10/12/2021 về việc phối hợp tổ chức phiên họp trực tuyến xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc giữa Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang. Chiều ngày 11/3/2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, Viện kiểm sát nhân dân huyện đã phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp và Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh An Giang tiến hành mở phiên họp trực tuyến xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 10 trường hợp theo đề nghị của Phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Chợ Mới.

(Quang cảnh phiên họp trực tuyến tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới)

Tại phiên họp, trên cơ sở đề nghị của Phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Chợ Mới, căn cứ vào các hồ sơ tài liệu, đánh giá về tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân, mức độ nhận thức của người bị đề nghị, Kiểm sát viên tham gia phiên họp đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 10 trường hợp, với thời hạn thấp nhất 18 tháng, cao nhất 22 tháng, đều được Hội đồng phiên họp thống nhất quyết định.

(Kiểm sát viên phát biểu quan điểm tại phiên họp)

(Hội đồng phiên họp quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 10 người bị đề nghị)

Việc mở phiên họp trực tuyến đã mang lại nhiều kết quả: 

– Trước hết, việc thực hiện phiên họp trực tuyến phù hợp với định hướng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động tố tụng và theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay về yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người dễ làm dịch bệnh lây lan,…

– Việc chuyển từ hình thức tham dự phiên họp trực tiếp sang trực tuyến vẫn bảo đảm nguyên tắc theo dõi phiên họp trọn vẹn, khách quan, toàn diện, tiết kiệm được thời gian và các chi phí phát sinh.

– Và có thể nói, việc tổ chức phiên họp theo hình thức trực tuyến còn tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát, Tòa án và Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh An Giang.

Đây là một trong những giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay.

Tác giả: Phước Lợi

Nguồn tin: Viện KSND huyện Chợ Mới (D)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print