Tập thể Phòng 2 – Viện KSND tỉnh An Giang luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác thúc đẩy chuyển đổi số, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới

Trong 06 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã khởi tố 837 vụ/731 bị can, tăng 295 vụ/212 bị can so với cùng kỳ; tính chất, mức độ của tội phạm ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Để bảo đảm công tác phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy và Ban lãnh đạo Viện tỉnh, Phòng 2 đã thực hiện nhiều giải pháp theo kế hoạch công tác của Ngành, xem việc ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành số hóa hồ sơ án hình sự là yêu cầu tất yếu của quá trình cải cách tư pháp. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm và kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Đồng thời, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư cách phẩm chất đạo đức trong từng Kiểm sát viên, Kiểm tra viên luôn có niềm tin yêu tuyệt đối với nghề, khát khao được cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước và Ngành Kiểm sát nhân dân.

Thời gian qua, Lãnh đạo đơn vị đã thường xuyên tổ chức, quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân. Bên cạnh đó, đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, tận dụng triệt để các nguồn lực hiện có để triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Kế hoạch, Đề án về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chuyên môn nghiệp vụ; luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và khả năng tìm tòi, nghiên cứu các sáng kiến, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng công việc. Khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử đối với vụ án, đã tiến hành bám sát các hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ vụ án, nghiên cứu kỹ các tài liệu có trong hồ sơ, đúng theo trình tự quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của Ngành; chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để tiến hành sao chụp. Đồng thời thiết lập hồ sơ dữ liệu văn bản điện tử theo các giai đoạn tố tụng, tinh gọn, dễ hiểu, rõ ràng và dễ trích xuất nhằm phục vụ tốt cho quá trình theo dõi, xử lý tình huống và báo cáo án với Lãnh đạo Viện. Đã số hoá hồ sơ 100% vụ án hình sự của Phòng; phối hợp chặt chẽ với Toà án cùng cấp thống nhất các quy định của pháp luật, về việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa; dự kiến các tình huống và các tài liệu, chứng cứ đã được số hóa cần phải công bố. Thông qua hình thức trên, đã mở rộng phương pháp tiếp cận nội dung vụ án một cách trực quan, sinh động bằng hình ảnh. Việc thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện số hóa hồ sơ vụ án góp phần bảo đảm bí mật hồ sơ do không phải di chuyển, sử dụng nhiều đến hồ sơ vụ án và hồ sơ kiểm sát (trừ khi cần thiết hoặc theo quy định của pháp luật); giúp giảm chi phí để sao lưu tài liệu, nhất là đối với những vụ án có nhiều tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, việc photocopy toàn bộ tài liệu sẽ tốn nhiều chi phí, diện tích lưu trữ… và còn giúp Kiểm sát viên chủ động, linh hoạt hơn trong quá trình tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đối với vụ án.

Đặc biệt, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện báo cáo án bằng sơ đồ tư duy, đối với các vụ án có tính chất phức tạp, nhiều đối tượng, như: vụ Nguyễn Thị Thủy Liên cùng 61 đồng phạm về tội “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc”; vụ Nguyễn Hùng Cường về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Qua thực hiện, kết quả cho thấy, việc ứng dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo án và đề xuất quan điểm giúp Lãnh đạo Phòng, Lãnh đạo Viện theo dõi toàn diện, cụ thể nội dung vụ án, kịp thời chỉ đạo Kiểm sát viên thực hiện một số nội dung chưa được thực hiện đầy đủ, giúp cho quyết định của Lãnh đạo Viện chính xác, đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều công chức có cách làm hay, sáng tạo, ứng dụng nhiều phần mềm phổ biến như Power Point, Excel…đều được Lãnh đạo Phòng cho phép thí điểm, nghiên cứu áp dụng. Điều này đã chứng tỏ sự quyết tâm của Phòng 2 trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, đáp ứng công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra rất nhiều khó khăn và đầy thử thách; đòi hỏi toàn thể Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong đơn vị phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tiến trình cải cách tư pháp.

Nhân kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam (26/7/1960 – 26/7/2023), tập thể Phòng 2 Viện KSND tỉnh An Giang xin hứa sẽ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết nhất trí trong tập thể, cố gắng vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Ngành KSND giao phó; góp phần quan trọng vào thành tích chung của Ngành, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc nền pháp chế XHCN, để xứng đáng với Mười chữ vàng Bác Hồ đã dành tặng cho Ngành Kiểm sát “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn.

Thanh Trúc 

Phòng 2 (D)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print