Sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam

Với Hiến pháp năm 1959, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta đã ghi nhận chế định Viện kiểm sát nhân dân và ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Từ đó, ngày 26/7 được coi là ngày thành lập của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam.

 Công tố có nghĩa là điều tra, truy tố và buộc tội kẻ phạm tội trước tòa. Quyền công tố ra đời gắn liền với sự ra đời của Nhà nước và pháp luật. Do đó, quyền công tố tồn tại trong tất cả các Nhà nước từ Nhà nước chiếm hữu nô lệ đến Nhà nước ngày nay. Quyền công tố ban đầu chỉ mang tính xã hội và dần phát triển, đòi hỏi phải có một cơ quan nhà nước thực hiện đó là Cơ quan Công tố hoặc Viện kiểm sát. Bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam không có cơ quan công tố độc lập. Nhà vua tập trung ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong tay mình bao gồm cả quyền công tố. Ở địa phương, các quyền này được tập trung trong tay viên quan đứng đầu bộ máy cai trị. Nhà nước phong kiến ở Việt Nam có lập ra cơ quan có chức năng giám sát trong bộ máy trong đó có giám sát về tư pháp. Trên thế giới, cơ quan Viện kiểm sát nhân dân ra đời trong bộ máy nhà nước sau khi xuất hiện hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa mà đứng đầu là nhà nước Xô Viết (Liên Xô). Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân ra đời xuất phát từ cơ sở lý luận là chủ nghĩa Mác – Lê Nin với quan điểm của VI.Lênin về pháp chế thống nhất. Theo Lênin, pháp chế là phải thống nhất và để đấu tranh có hiệu quả với chủ nghĩa cục bộ địa phương thì phải thành lập cơ quan Viện kiểm sát nhân dân có quyền và phận sự làm một việc là “Bảo đảm cho pháp chế được hiểu biết thống nhất và thống suốt trong toàn nước cộng hòa, bất kể những đặc điểm của địa phương và sự can thiệp của nhà chức trách địa phương”.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập. Hệ thống tư pháp của Nhà nước dân chủ nhân dân được hình thành nhanh chóng. Năm 1946, tiền thân của ngành Kiểm sát nhân dân là cơ quan Công tố được thành lập, nằm trong hệ thống Toà án, sau đó trực thuộc Bộ Tư pháp. Cơ quan Công tố được giao đồng thời thực hiện hai chức năng là thực hành quyền công tố và giám sát các hoạt động tư pháp, bao gồm: chỉ đạo điều tra, trực tiếp điều tra một số loại tội phạm; quyết định việc truy tố; buộc tội trước tòa; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án và giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử, giam giữ, cải tạo và thi hành án; tham gia trong một số loại việc dân sự quan trọng để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích của xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trước yêu cầu mới của cách mạng, việc cải cách cơ quan Công tố và thành lập Viện kiểm sát nhân dân trở thành yêu cầu tất yếu khách quan. Đồng thời, xuất phát từ tính chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, từ nguyên tắc tổ chức Nhà nước ta là tập trung dân chủ, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; học tập kinh nghiệm quốc tế nhất là các nước trong phe xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ và kinh nghiệm tổ chức hoạt động cơ quan Công tố trong những năm đầu của công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho soạn thảo Hiến pháp, được Quốc Hội thông qua đặt nền tảng pháp lý cho sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân. Trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước là tập trung dân chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và căn cứ vào những quy định của Hiến pháp năm 1959, lần đầu tiên trong lịch sử Nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân được quy định là một cơ quan nhà nước độc lập, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, tổ chức và hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã được Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá II thông qua. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan trong cơ cấu tổ chức tư pháp nhà nước, thực hiện một chức năng mới của Nhà nước là chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và công dân theo quy định của pháp luật. Sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân là do bản chất nhà nước và nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước ta – quyền lực nhà nước là thống nhất, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ quy định. Đó cũng là điều cơ bản nhất trong tư tưởng pháp quyền chủ tịch Hồ Chí Minh – Trưởng Ban soạn thảo Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên của nước ta.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15 tháng 7 năm 1960, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân gồm 6 chương, 25 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Từ đó, ngày 26/7 được coi là ngày thành lập của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam.

Hiến pháp năm 1959, ảnh minh họa

Chế định về cơ quan Viện kiểm sát nhân dân quy định trong Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 đã xác định vị trí, chức năng và các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam. Cụ thể: Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền trong phạm vi do luật định (Điều 105 Hiến pháp năm 1959). Viện kiểm sát nhân dân các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 107 Hiến pháp năm 1959). Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Điều 108 Hiến pháp năm 1959).

Để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật là làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững. Mục đích của việc kiểm sát là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, trật tự xã hội, tài sản công cộng và những quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà được tiến hành thắng lợi, Điều 3 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp thi hành nhiệm vụ trên bằng cách:

 a) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan nhà nước địa phương; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của nhân viên cơ quan nhà nước và của công dân;

 b) Điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước toà án nhân dân những người phạm pháp về hình sự;

c) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan công an và của các cơ quan điều tra khác;

d) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của toà án nhân dân và trong việc chấp hành các bản án;

 e) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam giữ của các trại giam;

g) Khởi tố hoặc tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”.

Về nguyên tắc hoạt động: Khi thực nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân phải theo nguyên tắc mọi người công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ, dân tộc, nòi giống, tôn giáo, tín ngưỡng, địa vị xã hội và thành phần xã hội; Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp làm nhiệm vụ của cấp mình một cách độc lập, các cơ quan nhà nước khác không được can thiệp và chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 đã đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước ta và kể từ đó, ngày 26/7 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam.

Tác giả: Thùy Linh

Nguồn tin: Viện KSND TX Tân Châu

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print