Quá trình xây dựng và phát triển Ngành kiểm sát An Giang

a. Giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1985

         Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh An Giang đi vào hoạt động với 12 cán bộ đầu tiên, trụ sở phải sử dụng chung với cơ quan khác; trong điều kiện tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội rất phức tạp; đời sống nhân dân khó khăn, nhận thức về quyền tự do dân chủ của nhân dân theo pháp luật chưa được thông suốt. Trên tuyến biên giới Tây Nam, quân Khmer đỏ đã gây chiến tranh, tàn sát nhân dân Việt Nam; trong nội địa gần một chục tổ chức phản cách mạng hoạt động với âm mưu chống phá chính quyền cách mạng .

        Được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân, sự chi viện về cán bộ kịp thời của VKSND tối cao, sự nổ lực phấn đấu của từng anh chị em trong ngành, VKSND tỉnh An Giang đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, kế hoạch công tác hàng năm của Viện kiểm sát tối cao đề ra chương trình, kế hoạch công tác cụ thể cho từng bộ phận nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ có hiệu quả việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.

         Ngay sau khi có quyết định thành lập, Thường vụ Tỉnh ủy đã điều đồng chí Nguyễn Ngọc Sương, nguyên Ủy viên Thường trực Ban an ninh khu 8 đến nhận công tác và được VKSND tối cao bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng, sau đó bổ nhiệm Viện trưởng; điều động đồng chí Lê Phát Tường, Dương Minh Huấn từ Tòa án tỉnh sang, sau đó bổ nhiệm Phó Viện trưởng và một số cán bộ ở các ngành khác đã tham gia kháng chiến có học lực khá và phẩm chất chính trị tốt. Bộ khung của VKSND An Giang đã hình thành đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 1976.

        Cùng với công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy, Tỉnh ủy cũng quyết định thành lập Chi bộ Viện kiểm sát An Giang.

         Năm 1977, Viện kiểm sát tối cao đã tăng cường cho An Giang 13 cán bộ chủ chốt đã được đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm công tác, trong đó có một số đồng chí là Kiểm sát viên cấp tỉnh. VKSND các huyện, thị cũng có đủ bộ khung lãnh đạo và đi vào hoạt động.

         Do chưa đủ lực lượng để thành lập các phòng nghiệp vụ, Ban lãnh đạo đã thành lập các tổ nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, gồm: Tổ Văn phòng, Tổ chức – khiếu tố; Tổ Kiểm sát chung, Dân sự; Tổ Kiểm sát điều tra, xét xử; Tổ Điều tra thẩm cứu (xét xử phúc thẩm, thi hành án, giam giữ). Mỗi tổ nghiệp vụ đều có kiểm sát viên cấp tỉnh phụ trách.

        Để nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ, lãnh đạo Viện đã cử 10 đồng chí cán bộ chủ chốt đi học lớp ngắn hạn do Viện kiểm sát tối cao mở tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 15 cán bộ trong ngành và 17 cán bộ của Tòa án, Công an. Giảng viên, tài liệu do chính cán bộ trong ngành chịu trách nhiệm và tiếp tục tuyển sinh đưa đi đào tạo trung cấp nghiệp vụ.

          Năm 1977, Công đoàn cơ sở và Chi đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được thành lập. Các Viện kiểm sát nhân dân  huyện, thị, chi bộ Đảng được sinh hoạt ghép với Tòa án hoặc Thanh tra.

          Về cơ sở vật chất, đến năm 1980 đã được tăng cường đáng kể, tất cả các Viện kiểm sát hai cấp đều có trụ sở riêng, từng bước được nâng cấp, xây dựng mới; trang thiết bị được tăng cường đáng kể đảm bảo phục vụ các hoạt động thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành.

Từ năm 1981 đến năm 1985, bộ máy tổ chức hai cấp của Viện kiểm sát nhân dân  tỉnh An Giang đi vào ổn định, hoạt động có hiệu quả.

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, đã xác định: Nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tỉnh An Giang là phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng Đảng, chính quyền; giữ vững an ninh chính trị,  trật tự an toàn xã hội và bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân.

       Đi vào hoạt động, Viện kiểm sát An Giang đã tiến hành ngay việc vận dụng pháp luật, phối hợp chặt chẽ với Công an, Tòa án để trấn áp bọn gián điệp, bọn phản cách mạng, các tổ chức hoạt động bạo loạn vũ trang. Kịp thời đưa ra xét xử, trừng trị nghiêm khắc nhưng đối tượng cầm đầu trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và các vụ trọng án để góp phần ổn định tình hình, bảo vệ Đảng, chính quyền cách mạng và cuộc sống yên bình của nhân dân.
  
       Thông qua công tác kiểm sát chung, ngoài việc khởi tố hình sự, Viện Kiểm sát còn kiến nghị xử lý kỷ luật về Đảng, chính quyền nhiều cán bộ, đảng viên có vi phạm trong các hoạt động có liên quan đến quản lý kinh tế.

        Trong đảm bảo quyền tự do dân chủ của nhân dân, Viện kiểm sát đã trả tự do cho nhiều người bị bắt không đúng quy định của pháp luật, những cán bộ vi phạm đều bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

b. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2001

Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong đời sống xã hội.

       Quán triệt sự chỉ đạo của Viện kiểm sát tối cao, của Tỉnh ủy An Giang, Ban lãnh đạo Viện đã tổ chức triển khai học tập trong toàn bộ cán bộ, Kiểm sát viên ngành về nội dung Nghị quyết Đại hội VI, đề ra phương hướng hoạt động công tác kiểm sát phục vụ thực hiện sự nghiệp đổi mới. Trước hết là đổi mới về nhận thức và hành động, mọi hoạt động nghiệp vụ kiểm sát đều nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng này.

        Trước năm 1986, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, đất đai được đưa vào làm ăn tập thể, dưới các hình thức: Tổ đoàn kết sản xuất, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã và khoán cho các hộ nông dân theo định mức. Đến khi thực hiện Luật đất đai năm 1988, vấn đề mới phát sinh, đó là những người trước đây đưa đất đai vào làm ăn tập thể thì đòi đất, những người nhận khoán thì không muốn trả, dẫn đến một số vụ tranh chấp. Thực hiện chủ trương của Đảng và những quy định của Luật đất đai, Viện kiểm sát đã tích cực tham mưu cho Cấp ủy, tư vấn cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những tranh chấp, đồng thời kiên quyết xử lý những vụ, việc lợi dụng tranh chấp đất đai để gây rối, hủy hoại tài sản của công dân… góp phần đưa việc thực hiện Luật đất đai có ý nghĩa quan trọng đi vào đời sống; sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển mạnh mẽ.

        Thực hiện đường lối đổi mới, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đòn bẩy để kinh tế phát triển, một số đơn vị, cá nhân đã lợi dụng để thực hiện tội phạm, đáng chú ý là tình trạng buôn lậu và mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Viện kiểm sát đã chủ trì họp với các ngành hữu quan: Hải quan, Biên phòng, Thanh tra, Quản lý thị trường, Kiểm lâm xây dựng quy chế phối hợp xử lý tin báo tội phạm đạt hiệu quả tốt. An Giang là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra truy tố, xét xử những vụ án về mua bán hóa đơn giá trị gia tăng.

c. Giai đoạn từ 2002 đến nay

       Khi Đảng, Nhà nước điều chỉnh chức năng của Ngành Kiểm sát, thực hiện chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, Ban lãnh đạo Viện tỉnh đã nhanh chóng điều chuyển cán bộ, ổn định bộ máy tổ chức, tăng cường thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

       Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban lãnh đạo Viện đã xây dựng chương trình hành động, thực hiện điều chuyển cán bộ, tăng cường nhân, vật lực cho Viện kiểm sát cấp huyện để đủ sức đảm nhận chức năng, nhiệm vụ khi được tăng thẩm quyền.

         Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Viện luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương thuộc khu vực Tây Nam bộ và công tác kiểm sát đã tích cực phục vụ giải quyết các điểm nóng về dân tộc, tôn giáo, khiếu kiện đông người, vượt cấp. Phối kết hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp, tham mưu cho Cấp ủy giải quyết nhanh, đúng pháp luật một số vụ lợi dụng dân tộc, tôn giáo để gây rối và từ đó, đã góp phần ổn định tình hình.

Chất lượng hiệu quả công tác kiểm sát ngày càng nâng cao. Các khâu công tác kiểm sát hàng năm đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Tóm lại: Trong 48 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy Đảng, chỉ đạo của VKSND tối cao, cán bộ, Kiểm sát viên VKSND tỉnh An Giang đã nổ lực phấn đấu, đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ, phục vụ đắc lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng ở địa phương.

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print