Quá trình hình thành, hoạt động Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang

Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân được quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân, là thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, của Viện Kiểm sát nhân dân trong lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, của Viện Kiểm sát nhân dân về công tác tổ chức cán bộ, thi đua, khen thưởng, đạo đức, văn hóa giao tiếp khi thi hành công vụ và các công tác hành chính nội vụ khác; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, của Viện Kiểm sát nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác tài chính, kế toán, đầu tư, xây dựng cơ bản trong Viện Kiểm sát nhân dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; theo dõi, đôn đốc, thanh tra việc thực hiện các kết luận, quyết định, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân là chức năng thiết yếu của quản lý chỉ đạo, điều hành. Thanh tra trước hết và quan trọng nhất là phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm, khiếm khuyết thông qua việc thực hành quyền công tố, kiểm sát họat động tư pháp, qua công tác chấp hành kỷ luật nội vụ, tài chính,… theo quy định của pháp luật, quy định, quy chế của ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng thời, qua thanh tra kịp thời phát huy, nhân rộng nhân tố tích cực, biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; góp phần nâng cao hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Đồng chí Huỳnh Đông Bắc, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang, phát biểu chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra tại Viện Kiểm sát dân cấp huyện, năm 2023

Căn cứ Quy chế phân cấp quản lý công chức ban hành kèm Quyết định số 154/2010/QĐ-VKSTC ngày 01/10/2010 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công văn 75/VKSTC-V9 ngày 10/10/2014 của Vụ Tổ chức cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, về việc thành lập Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Ngày 30/10/2014 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang quyết định thành lập Tổ Thanh tra trực thuộc Phòng Tổ chức cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang, với 02 thành viên, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế thanh tra, kiểm tra của ngành.

Từ ngày 01/4/2017, Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang được Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Quyết định thành lập, là một đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang. Để thực hiện tinh gọn bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, ngày 31/01/2020 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Quyết định sáp nhập phòng thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang, trong đó Phòng Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp với Thanh tra, tên đơn vị mới là Thanh tra – Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp (gọi tắt là Thanh tra – Khiếu tố) và hiện tại đơn vị có 05 biên chế.

Các năm qua, đơn vị Thanh tra – Khiếu tố tham mưu Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang thực hiện công tác thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất, Kiểm tra trật tự nội vụ,…. cùng hoạt động chuyên môn của các phòng nghiệp vụ, nhằm phát hiện thiếu sót, hạn chế, sai phạm của công chức, đơn vị cấp phòng, cấp huyện trong ngành Kiểm sát tỉnh An Giang để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, giúp Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang có đánh giá sát với thực tế tình hình thực hiện chức năng ngành ở 2 cấp Kiểm sát An Giang, đề ra kế hoạch, giải pháp mang lại hiệu quả ngày một cao hơn trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Công chức đơn vị Thanh tra – Khiếu tố, năm 2020

Trải qua hơn 5 năm kể từ khi Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang được thành lập, đi vào hoạt động, Thanh tra – Khiếu tố đã tham mưu lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang tiến hành thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất,… đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ của đối tượng thanh tra qua từng khâu công tác.

Từ năm 2018 đến nay, Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang đã tiến hành thực hiện trên 40 cuộc thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất về nghiệp vụ, về công tác phòng chống tham nhũng,… hơn 150 cuộc kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ, tham mưu lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ban hành nhiều thông báo rút kinh nghiệm. Để đạt kết quả trên, công tác thanh tra luôn được Lãnh đạo Viện quan tâm, chỉ đạo sát sao, cùng sự nổ lực phấn đấu của từng công chức làm công tác thanh tra, chất lượng công tác thanh tra dần được nâng lên.

Bên cạnh mặt được, công tác thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang cũng còn một số khó khăn như, đơn vị Thanh tra được thành lập tương đương cấp phòng từ những tháng đầu năm 2017, thời gian hoạt động, đúc rút kinh nghiệm chưa nhiều, đầu năm 2020 tiếp tục sáp nhập với Phòng Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, công chức đơn vị được điều động từ đơn vị khác về, cũng như công chức từ Phòng Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp còn khá bỡ ngỡ với tác nghiệp cũng như hoạt động thanh tra; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra chưa đồng đều, kỹ năng nghiệp vụ của một vài công chức làm công tác thanh tra chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn đặt ra;…

Một số hình ảnh hoạt động thanh tra, Kiểm tra thời gian qua

Để không ngừng nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra ngang tầm nhiệm vụ đặt ra mà trọng tâm là công tác tham mưu, đề xuất giúp Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm, thiếu sót, những trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo sự nghiêm minh trong hoạt động quản lý của ngành, góp phần tích cực vào việc giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh. Thời gian tới, Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ công chức thanh tra đáp ứng những yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và kỹ năng nghiệp vụ. Kết quả từng cuộc thanh tra, kiểm tra, Lãnh đạo Viện đánh giá được thực chất, mặt mạnh, mặt yếu ở công chức làm công tác thanh tra để có củng cố, bố trí đủ mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra.

Thứ hai, công chức thanh tra thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác thanh tra, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hằng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra trên cơ sở định hướng của Thanh tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và trên cơ sở đánh giá của Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Phòng nghiệp vụ, hướng đến thanh tra những đơn vị còn hạn chế nhằm tìm ra nguyên nhân, có biện pháp chấn chỉnh, đưa hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của đơn vị, địa phương ngày một tốt hơn; nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết và văn bản hướng dẫn về công tác thanh tra; đổi mới nội dung, phương pháp thanh tra.

Thứ ba, xác định công tác thanh tra là quan trọng, cán bộ thanh tra phải là những người thực sự có năng lực, kinh nghiệm và uy tín. Năng lực của công chức thanh tra không chỉ tinh thông về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ thanh tra, mà còn phải nắm vững nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và nắm cả vấn đề cơ bản về công tác tài chính, công tác nội vụ …; đồng thời phải hiểu biết sâu sắc về các vấn đề xã hội, am hiểu luật pháp, giải quyết các mối quan hệ xã hội một cách minh bạch, công tâm theo đúng pháp luật. Vì vậy, mỗi công chức thanh tra ngoài việc được tập huấn, phải tự trau dồi kiến thức cho bản thân, học hỏi đúc rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ các thông báo rút kinh nghiệm của vụ nghiệp vụ, của phòng nghiệp vụ, qua các hướng dẫn nghiệp vụ các khâu công tác của ngành… nhằm biết cách tiếp cận vấn đề, nội dung để phát hiện thiếu sót, vi phạm trong tác nghiệp.

Thời gian qua đã được sự quan tâm của Lãnh đạo trong kiện toàn công chức Thanh tra, nay đề nghị Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm, kiện toàn đội ngũ công chức thanh tra có năng lực, kinh nghiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ. Công chức thanh tra phải có kỹ năng khai thác, sử dụng pháp luật trong công tác; phải được đào tạo nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra; đồng thời, phải có kỹ năng chuyên sâu về nghiệp vụ công tác kiểm sát, công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác tài chính, kế toán… liên quan đến từng nội dung thanh tra trong nội bộ Ngành, chú trọng cập nhật các kiến thức pháp luật  mới và các quy định của ngành Kiểm sát nhân dân mới ban hành.

Giai đoạn hiện nay, trong tiến trình cải cách tư pháp, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức làm công tác thanh tra không ngừng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và thanh tra là kênh thông tin giúp Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nắm bắt kịp thời tình hình đang diễn ra ở hai cấp Kiểm sát An Giang, những vấn đề phát sinh để có biện pháp giải quyết; tìm ra giải pháp khắc phục những sơ hở trong cơ chế quản lý, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Ngành trên tất cả các mặt công tác.

Thành Giang – Ảnh: Nguyễn Mạnh

Thanh tra – Khiếu tố

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print