Phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật để hạn chế
tổn thất cho khách hàng và tổ chức tín dụng

Ngày 06/6/2023, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang có Văn bản số 665/ANG-TTGSNH chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện những nội dung theo kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh.

Theo đó, các đơn vị cần tiến hành rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định/quy trình, chính sách nội bộ, đặc biệt là các quy định về nhận tiền gửi, tiết kiệm, cho vay, cho vay cầm cố, thế chấp bằng sổ/thẻ tiết kiệm, quản lí phôi thẻ/sổ tiết kiệm; quy định về an toàn kho quỹ, bảo mật thông tin, quản lí ấn chỉ, điều kiện, quy trình giao nhận tài sản cho khách hàng; thường xuyên kiểm kê, đối chiếu tài sản trong kho tiền.

Các TCTD phải có biện pháp hạn chế, ngăn ngừa việc lãnh đạo, cán bộ và nhân viên thông đồng, câu kết với nhau, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sự quen biết và sơ hở của khách hàng để thực hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tài sản của khách hàng, nhằm đảm bảo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ, quy định của pháp luật và giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng.

Phiên tòa xét xử vụ án Tham ô tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Phòng giao dịch Cái Dầu

thuộc BIDV chi nhánh Long Xuyên – Ảnh: Võ Hoàng

Kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm hạn chế rủi ro và vi phạm pháp luật. Thực hiện nghiêm các quy định về luân chuyển cán bộ, đặc biệt là vị trí lãnh đạo, ngân quỹ, tín dụng, thanh toán, huy động vốn, xử lí nợ xấu, kinh doanh ngoại hối, công nghệ thông tin, quản lí khách hàng và các vị trí khác tiếp xúc và giao dịch trực tiếp với khách hàng.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, đẩy mạnh hoạt động kiểm toán nội bộ, kiểm tra đột xuất nhằm nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa. Tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lí nghiêm các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng của các cá nhân và đơn vị trực thuộc.

Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, kiến nghị, cảnh báo của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan kiểm toán nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xử lí các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, để có sự hỗ trợ kịp thời nhằm hạn chế tối đa tổn thất cho khách hàng và TCTD.

Quản lí chặt chẽ đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên thông tin cho cán bộ, nhân viên về những phương thức, thủ đoạn, hành vi vi phạm mới.

Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nội dung của “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” ban hành theo Quyết định số 11/QĐ-HHNH ngày 25/02/2019 của Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Xây dựng, ban hành và thực hiện nghiêm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của từng TCTD. Vận động cán bộ, nhân viên tích cực tham gia phòng, chống, ngăn ngừa, phát hiện tố giác vi phạm pháp luật góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

Đồng thời thực hiện truyền thông, phổ biến giới thiệu các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng hiểu rõ trước khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của TCTD; bảo mật thông tin cá nhân, doanh nghiệp và thực hiện các giao dịch tại các TCTD đúng quy định để phòng tránh, hạn chế rủi ro.

Trước đó, qua thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự từ năm 2017-2022, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh An Giang đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử 06 vụ án về các tội như Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tham ô tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến hành vi vi phạm của cán bộ ngân hàng, cán bộ các TCTD gây thiệt hại hơn 1.163 tỷ đồng. Từ đó, Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang có Kiến nghị số 05/KN-VKS-P1 ngày 30/5/2023 yêu cầu áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

 

Huỳnh Trần

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print