Trong quá trình lãnh đạo Nhà nước, Đảng ta đã có chủ trương, đường lối và tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Cơ quan tư pháp trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân, được thể hiện trong nhiều văn kiện như Nghị quyết 49–NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tiếp tục khẳng định “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Hay mới đây nhất là trong Nghị quyết 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định nhiệm vụ đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao là chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp“Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà của Kiểm sát viên tại phiên toà hình sự”. Những quan điểm trên xác định chức năng công tố của Viện kiểm sát và hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà vụ án hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong cải cách tư pháp của hoạt động xét xử.
(Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự)
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử các vụ án hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và xuất phát từ thực tiễn hoạt động Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử, người viết đề xuất các giải pháp sau:
Thứ nhất, Lãnh đạo các đơn vị tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa cho toàn Ngành; đặc biệt là Kiểm sát viên tham gia Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử tại các phiên toà xét xử các vụ án hình sự, việc tranh tụng tại phiên tòa không chỉ đánh giá kết quả hoạt động của cả giai đoạn điều tra, truy tố mà còn có ý nghĩa quyết định trong giai đoạn xét xử, thể hiện tính công bằng, công khai, minh bạch trong hoạt động tố tụng, nhằm bảo đảm quyền con người, giúp cho việc xét xử của Toà án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc cải cách tư pháp của Đảng.
Thứ hai, tất cả các vụ án Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc nội dung của vụ án, các chứng cứ buộc tội và gỡ tội, số bút lục của các tài liệu có giá trị chứng minh, những vấn đề còn thiếu sót, những vướng mắc trong hồ sơ và ảnh hưởng của nó trong quá trình sử dụng chứng cứ tại phiên tòa. Nội dung này rất quan trọng vì có nắm chắc nội dung vụ án, hiểu kỹ mặt đạt được và cái tồn tại trong hồ sơ thì Kiểm sát viên mới có tâm lý tự tin khi tham gia phiên toà. Đồng thời, qua theo dõi quá trình xét hỏi Kiểm sát viên biết Hội đồng xét xử hỏi đầy đủ chưa, vấn đề gì chưa hỏi hoặc chưa làm rõ để xét hỏi cho toàn diện vụ án. Ngoài ra, khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, Kiểm sát viên sẽ trích cứu tài liệu, chứng cứ nhanh chóng, kịp thời. Và cần tránh việc nghiên cứu qua loa, hình thức kể cả các vụ không có người bào chữa tham gia phiên tòa.
(Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ trước khi tham gia phiên tòa)
Thứ ba, Kiểm sát viên phải nắm vững các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn, các quy định của pháp luật có liên quan nhằm vận dụng đúng đắn, chính xác khi tham gia tranh tụng tại phiên toà. Nắm vững các qui định của pháp luật có liên quan không chỉ là biết được và nhớ các qui định đó mà còn phải hiểu rõ tinh thần của điều luật, hiệu lực của văn bản. Sự hiểu biết và nắm vững pháp luật sẽ tạo ra niềm tin nội tâm vững chắc cho Kiểm sát viên khi tranh tụng, khi khẳng định quan điểm truy tố hoặc khi bác bỏ quan điểm của người tranh tụng khác. Kiểm sát viên đáp ứng đầy đủ yêu cầu về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao, giữ vững phẩm chất, đạo đức của người cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, không cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong công việc sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà.
(Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa hình sự)
Thứ tư, Kiểm sát viên phải tự trau dồi kinh nghiệm và thành thạo các kỹ năng Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử, trong đó có các kỹ năng tranh tụng. Tại phiên tòa, để tranh tụng thành công, Kiểm sát viên phải có các kỹ năng nghề nghiệp đặc thù như: kỹ năng xét hỏi; kỹ năng quan sát, lắng nghe, tổng hợp ý kiến, ghi chép; kỹ năng đối đáp, phản bác các quan điểm sai trái; kỹ năng sử dụng ngôn ngữ; kỹ năng sử dụng các công cụ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ.
Thứ năm, tăng cường công tác “số hóa hồ sơ” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Khi Kiểm sát viên thực hiện công bố cáo trạng, tranh luận, đối đáp với Luật sư, bị cáo và những người khác để bảo vệ cáo trạng, quan điểm của Viện kiểm sát và làm rõ những nội dung tranh luận thì Kiểm sát viên có thể vừa thực hiện trực tiếp bằng lời nói vừa tác động trực quan, sinh động bằng hình ảnh các tài liệu, chứng cứ, lời khai, các file ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tới tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa được biết, theo dõi. Có như vậy, hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên sẽ sinh động, thuyết phục và đạt hiệu quả cao. Khi công bố chứng cứ tài liệu bằng hình ảnh tại phiên toà, Kiểm sát viên phải chú ý tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, chỉ công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp: lời khai người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ lời khai của mình; người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết hoặc người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ…
(Phiên tòa thực hiện rút kinh nghiệm nội bộ)
Thứ sáu, đẩy mạnh việc thực hiện và nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự. Việc tổ chức được nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm giúp Kiểm sát viên có cơ hội đánh giá kết quả, khắc phục những thiếu sót mà các phiên tòa trước đã tồn tại. Việc tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm không được làm qua loa, chiếu lệ, mà phải chú trọng vào thực chất, với mục đích tạo ra sự chuyển biến về “chất”, biến mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm là một cơ hội tốt để Kiểm sát viên nói riêng và các chức danh tư pháp khác nói chung rèn luyện, nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng tranh tụng để có thể đảm nhiệm và hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn.
Tóm lại, hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà xét xử vụ án hình sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là hoạt động quan trọng nhất để xác định sự thật khách quan của vụ án công khai. Do vậy, đảm bảo chất lượng tranh tụng tại phiên toà nói chung và hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên nói riêng là nhiệm vụ cấp bách trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Kiểm sát. Với các giải pháp người viết đã đề xuất, hi vọng góp phần từng bước nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà hình sự, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đặt ra trong công cuộc cải cách tư pháp.
Tác giả: Thu Hương
Nguồn tin: Phòng 7