Chi bộ khối Hình sự: Sinh hoạt tài liệu Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (06/9/1902 – 06/9/2022)

Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng“, đó là câu nói trước lúc đi xa của đồng chí Lê Hồng Phong sau những ngày tháng bị tra tấn dã man.


Tổng bí thư Lê Hồng Phong

 Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí Lê Hồng Phong, chi bộ khối Hình sự tổ chức sinh hoạt tài liệu nhằm ôn lại quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến quan trọng của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.  Đây là dịp để các đảng viên thành kính và tri ân công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; qua đó củng cố và bồi đắp niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

(Quang cảnh buổi sinh hoạt)

1. Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.

2. Những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của đảng và nhân dân ta

 Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tháng 12/1924, Lê Hồng Phong lần đầu tiên được gặp Nguyễn Ái Quốc; sự gặp gỡ này đã mở ra bước ngoặc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người thanh niên Xứ Nghệ. Lê Hồng Phong đã tiếp thu được những quan điểm mới về con đường cứu nước và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng sớm thấy nhận thấy những phẩm chất cách mạng ưu tú, tài năng của Lê Hồng Phong.

Tháng 02/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Lê Hồng Phong được lựa chọn vào Nhóm Việt Nam Thanh niên Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc thành lập và trở thành hạt nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – lớp thế hệ cán bộ đầu tiên được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo; Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi Đồng chí vào những cơ sở đào tạo cán bộ cao cấp của Chính phủ Trung Hoa và trường đào tạo lãnh tụ của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô.

(Các hiện vật trong hoạt động Cách mạng của Tổng bí thư Lê Hồng Phong)

Với những đóng góp to lớn trong việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1932-1935, Đồng chí được mời tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản; được Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939), với vai trò Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Hồng Phong có rất nhiều đóng góp vào việc hình thành chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới đúng với những tư tưởng chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng

Cuối năm 1931, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông, đồng chí Lê Hồng Phong nhận trọng trách từ Quốc tế Cộng sản trở về nước chỉ đạo việc tổ chức khôi phục và phát triển các cơ sở Đảng, tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên.

Đầu năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong về Long Châu tổ chức lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cơ sở, gây ảnh hưởng của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ đó mở đường liên lạc về trong nước; đồng chí liên tục mở các lớp huấn luyện cho cán bộ từ trong nước sang học tập.

Đến cuối năm 1932, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Hồng Phong, Ban lãnh đạo lâm thời của Đảng được thành lập. Ban lãnh đạo thống nhất chủ trương tuyên truyền, học tập và hành động theo nội dung của bản kế hoạch “Chương trình hành động của Đảng” do Lê Hồng Phong tham gia soạn thảo và được Quốc tế Cộng sản thông qua.

Tháng 3/1934, dưới sự chủ trì của Lê Hồng Phong, Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (Ban Chỉ huy ở ngoài) được tiến hành, chuẩn bị mọi mặt về đường lối, tổ chức, nhân sự cho Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương được diễn ra; bầu vắng mặt đồng chí Lê Hồng Phong vào cương vị Tổng Thư ký (Tổng Bí thư).

Trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Lê Hồng Phong cùng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đến Mátxcơva tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu là Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản.

(Thẻ đại biểu Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong)

Sau Hội nghị Trung ương tháng 3/1938, đồng chí Lê Hồng Phong tiếp tục tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Kỳ và có nhiều đóng góp trên mặt trận báo chí nhằm thống nhất các quan điểm của Đảng về đấu tranh dân chủ, đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam thời kỳ Mặt trận dân chủ, cũng là sự chuẩn bị tích cực để đi tới thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.


(Di tích Khu lưu niệm đồng chí Tổng Bí Thư Lê Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An)

Tấm gương người cộng sản kiên cường, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân

Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, bọn mật thám Pháp dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ hòng khai thác các cơ sở cách mạng, nhưng chúng vẫn không lay chuyển được ý chí kiên cường của Đồng chí. Ngày 30/6/1939, Tòa tiểu hình Sài Gòn đã kết án Đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc ở Nghệ An.

Khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, tháng 01/1940, mật thám Nam Kỳ ra Nghệ An bắt đồng chí Lê Hồng Phong lần thứ hai và áp giải vào giam giữ tại Khám lớn Sài Gòn. Trong thời gian gần 01 năm giam giữ, tra tấn, hành hạ thực dân Pháp vẫn không tìm được lý do để kết tội tử hình đối với Đồng chí. Mặc dù vậy, thực dân Pháp vẫn buộc tội Đồng chí phải “chịu trách nhiệm tinh thần” cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc.

Cuối năm 1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị đày ra Côn Đảo. Trong những ngày bị biệt giam trong hầm đá hoặc trong Banh II (nơi giam giữ tù cộng sản), kẻ thù luôn tìm cách hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man đồng chí Lê Hồng Phong, hòng làm nhụt tinh thần, ý chí của người lãnh đạo cộng sản. Những trận đòn thù tàn ác, dã man, liên tục đó làm đồng chí Lê Hồng Phong dần dần kiệt sức. Đồng chí đã vĩnh biệt anh em, đồng chí của mình vào trưa ngày 6/9/1942.

(Phần mộ đồng chí Lê Hồng Phong tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo)

Có thể nói, buổi sinh hoạt tài liệu Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong là dịp để mỗi cán bộ đảng viên tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng Tổng bí thư Lê Hồng Phong; tri ân đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Học tập, noi gương bậc cách mạng tiền bối, là một đảng viên, bản thân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện lời dạy của Bác đối với người cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

(Đảng viên nghe sinh hoạt tài liệu)

Sau buổi sinh hoạt tài liệu, Chi bộ đã tiến hành kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Chi bộ tháng 9/2022, đề ra nhiệm vụ trọng tâm tháng 10/2022. Đồng thời, tiến hành trao Quyết định công nhận đảng viên chính thức cho đồng chí Nguyễn Hoàng Thanh Trúc. Qua 01 năm rèn luyện, thử thách với vai trò Đảng viên dự bị, đồng chí đã không ngừng nỗ lực, nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn để đáp ứng nhiệm vụ được giao của đơn vị và công tác Chi bộ.

Tác giả: Thu Hương, Ảnh: Tùng Dương

Nguồn tin: Chi bộ Khối Hình sự (G)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print