Thực hiện Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thúc đẩy hoạt động phòng, chống bạo lực gia đinh và tôn vinh giá trị gia đình. Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện ở hai cấp Kiểm sát.
Thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, Thủ trưởng các đơn vị ở hai cấp Kiểm sát đề ra các giải pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Ảnh minh họa – Nguồn internet
Việc thực hiện Kế hoạch bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ theo các nội dung Kế hoạch số 125/KH-VKSTC ngày 23/5/2024 của VKSND tối cao, yêu cầu tại Quyết định số 363/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1461/BVHTTDL-GĐ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong tháng hành động, VKSND hai cấp tích cực đưa tin, đăng bài tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, đăng tải hoạt động của đơn vị, trong giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình trên Trang thông tin điện tử của Ngành và của địa phương.
Trang thông tin điện tử của Ngành
Các tổ chức đoàn thể trong đơn vị theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan, chủ trì thực hiện tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình bằng những hình thức phù hợp như: Mittinh, hội nghị, ban hành văn bản, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo…
Thường xuyên tuyên truyền về “Bạo lực gia đình” vào các buổi sinh hoạt – Ảnh Nguyễn Mạnh
Các phòng nghiệp vụ thuộc khối hình sự, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan trong việc nắm, phân loại, xử lý và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến hành vi bạo lực gia đình. Tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết vụ án hình sự, kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố, điều tra những vụ việc có dấu hiệu tội phạm và bảo đảm truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự bị bạo lực trong gia đình dẫn đến ly hôn.
Khám nghiệm hiện trường vụ giết người xảy ra tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang
(do mâu thuẫn tình cảm vợ chồng) – Ảnh Nguyễn Mạnh
Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, chú trọng ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm, các kiến nghị tập trung vào nội dung yêu cầu các cơ quan hữu quan có biện pháp khắc phục sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến các hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc phát hiện, tố giác hành vi bạo lực gia đình, cưỡng ép mang thai, lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai…
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Bạo lực gia đình đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, làm xói mòn đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Phiên tòa xét xử Hồ Hữu Tiến về tội giết người
(do mâu thuẫn với bị hại là bạn học cùng trường) – Ảnh Nguyễn Mạnh
Thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình vào tháng 6 hằng năm là dịp cao điểm để mỗi cấp uỷ, chính quyền, mỗi tổ chức cá nhân, mỗi gia đình nâng cao nhận thức và hành động trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình.
Huỳnh Trần