Hiện nay tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Châu Thành đang diễn biến khá phức tạp, đặc biệt đáng chú ý là tội phạm cố ý gây thương tích đang ngày một gia tăng về số lượng vụ án, số người phạm tội lẫn tính chất, mức độ hành vi thực hiện tội phạm, các đối tượng phạm tội ngày một trẻ hóa về độ tuổi phạm tội. Với cách thức, thủ đoạn phạm tội táo bạo, côn đồ, hung hăng và nguy hiểm, nhiều vụ án đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng,.. gây thiệt hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe thậm chí là tính mạng con người. Làm cho nhân dân hoang mang, lo sợ, thiếu an tâm trong lao động sản xuất, gây khó khăn đến các chính sách an sinh xã hội.
Trước tình hình đó, việc thực hiện Quy chế số 1332/QCPH-VKS-TA ngày 15/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp, nhằm nâng cao chất lượng phiên tòa hình sự sơ thẩm và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ Thẩm phán và Kiểm sát viên; phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, xử lý nghiêm minh để giáo dục, răn đe và xử lý kịp thời loại tội phạm này là điều cần thiết.
Sáng ngày 07/11/2023, Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành và Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đã tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nội bộ, xét xử các bị cáo Phan Quốc Trung và Nguyễn Ngọc Đang, về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Toàn cảnh phiên tòa
Theo nội dung vụ án: Khoảng 19 giờ ngày 27/3/2023, Phan Quốc Trung điều khiển xe mô tô biển số 67M1 – 702.51 chở Nguyễn Ngọc Đang đến quán “Đại Lợi” thuộc ấp Phú Hùng, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang uống bia với Lê Văn Vũ Linh. Đến 21 giờ cùng ngày, trong lúc nhậu, Võ Văn Thơ gọi điện thoại kêu Đang đến cầu Kênh Làng thuộc ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang để nói chuyện mâu thuẫn trước đó. Đang kể lại sự việc cho Trung nghe và rủ Trung cùng đi gặp Thơ thì Trung đồng ý. Đang về nhà Trung lấy 02 con dao tự chế rồi quay lại quán “Đại Lợi” rước Trung cùng đi đến cầu Kênh Làng. Trên đường đi, cả hai bàn bạc thống nhất khi gặp Thơ, nếu xảy ra cự cãi thì sẽ dùng dao tự chế mang theo giải quyết mâu thuẫn. Đang điện thoại cho Trần Văn Huynh, nhờ Huynh kêu Huỳnh Danh Dự cùng đến cầu Kênh Làng để đối chất với Đang và Thơ về mâu thuẫn trước đó.
Khi đến cầu Kênh Làng, Đang đưa Trung cầm 01 dao tự chế, còn mình cầm 01 dao tự chế giấu bên hông trái. Đang đứng nói chuyện với Thơ, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Văn Khỏe và Phan Văn Thành thì xảy ra cự cãi. Thơ, Hóa, Khỏe ném chai thủy tinh về phía Đang; Đang bỏ chạy về phía chân cầu xã Tây Phú thì Trung cầm dao tự chế đuổi chém lại nhóm Thơ. Lúc này, Dự đang đứng trên cầu thì bị Trung chém 01 nhát trúng vào cánh tay trái xuống mông trái và 01 nhát trúng vào vai trái, được gia đình đưa đi cấp cứu.
* Căn cứ Kết luận giám định pháp y số 386 ngày 01/6/2023 của Trung tâm Pháp y – Sở Y tế tỉnh An Giang, kết luận thương tích của Huỳnh Danh Dự: tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do tất cả thương tích gây nên là 15% (mười lăm phần trăm).
Kiểm sát viên tại phiên tòa
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã thực hiện tốt vai trò thực hành quyền công tố; phân tích, đánh giá đầy đủ các chứng cứ, làm rõ nội dung, diễn biến của vụ án, nguyên nhân phạm tội, vai trò đồng phạm cũng như nhân thân, các tình tiết định khung hình phạt, tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo… qua đó Kiểm sát viên đề nghị và Hội đồng xét xử chấp nhận, xử phạt bị cáo Phan Quốc Trung 02 năm 06 tháng tù, Nguyễn Ngọc Đang 02 năm tù, cùng về tội “Cố ý gây thương tích”. Mức hình phạt Tòa án tuyên đối với bị cáo là phù hợp, đảm bảo tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội, được chính quyền địa phương và nhân dân, những người dự khán phiên tòa đồng tình. Kiểm sát viên đã thực hiện tốt việc kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, lập biên bản kiểm sát biên bản phiên tòa theo quy định.
Bị cáo lắng nghe Hội đồng xét xử xét hỏi
Sau phiên tòa, VKSND huyện Châu Thành đã tiến hành tổ chức họp rút kinh nghiệm. Trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, các ý kiến góp ý đã chỉ ra những ưu điểm, cũng như hạn chế, thiếu sót trong quá trình kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử nhằm rút kinh nghiệm chung. Qua đó, đã góp phần nâng cao kỹ năng xét hỏi, tranh tụng, của Kiểm sát viên tại phiên tòa, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, tạo vững niềm tin của nhân dân đối với chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và của ngành Kiểm sát nói riêng.
Thanh Tâm – VKSND huyện Châu Thành (H)