Khoản 2 Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự.
Qua thực tiễn công tác phát sinh trường hợp cơ quan có thẩm quyền đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với Nguyễn Nhật L, nhưng còn có nhiều quan điểm khác nhau, xin nêu lên để cùng trao đổi.
Khoảng giữa năm 2024, Nguyễn Nhật L (sinh ngày 02 tháng 08 năm 2009) và Đỗ Thị Kim N ( sinh ngày 27 tháng 02 năm 2010) quen biết và yêu thương nhau. Trong tháng 8/ 2024, L và N đã giao cấu với nhau 04 lần (vào các ngày 04, 15, 16 và 17/8).
Ngày 13/10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố CĐ, tỉnh A ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi” căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự”. Đồng thời, lập hồ sơ và có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân thành phố CĐ, tỉnh A áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Trường giáo dưỡng đối với L theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính, do hành vi của L có dấu hiệu phạm tội “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 145 Bộ luật hình sự.
Vụ việc trên có 02 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Việc đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với L là không có căn cứ, vì hành vi của L không có dấu hiệu phạm tội “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 145 Bộ luật hình sự. Do đó, việc đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Trường giáo dưỡng đối với L theo khoản 2 Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính là không có căn cứ. Việc ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự căn cứ khoản 3 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự là không chính xác.
Quan điểm thứ hai cho rằng: hành vi của L có dấu hiệu phạm tội “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 145 Bộ luật hình sự có mức hình phạt từ 3 đến 10 năm tù, nên thuộc trường hợp thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự. Việc ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự căn cứ khoản 3 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự là đúng và việc đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Trường giáo dưỡng đối với L theo khoản 2 Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính là có căn cứ.
Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất. Bởi cấu thành tội phạm về mặt chủ thể tội “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi” có tính chất đặc biệt, đòi hỏi người thực hiện hành vi phạm tội phải đủ 18 tuổi trở lên, độ tuổi quy định trong điều luật này được xác định là yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy, người chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 145 Bộ luật hình sự, được xác định là hành vi không cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự. Hơn nữa, trong vụ việc trên bản thân L cũng là người trong độ tuổi 13 đến dưới 16 và chủ thể của tội “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi” cũng có thể là nữ giới.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng nếu trong vụ việc trên khi thực hiện hành vi giao cấu với N, nếu độ tuổi của L từ đủ 16 đến dưới 18, thì việc ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự căn cứ khoản 3 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự là đúng.
Qua vụ việc trên nhận thấy, xuất phát từ việc nhận thức và áp dụng căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự quy định tại khoản 2 hay khoản 3 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự, dẫn đến bước xử lý vụ việc tiếp theo là đề nghị, xem xét áp dụng hay không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên thực hiện hành vi “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”. Vì vậy, xin nêu để mong nhận được ý kiến góp ý, trao đổi từ các đồng nghiệp. Đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn để việc vận dụng và áp dụng pháp luật được thống nhất và chuẩn xác.
Minh Tư – VKSND TP Châu Đốc (Q)