Trao đổi nghiệp vụ: Tòa án cấp phúc thẩm hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp đương sự không có yêu cầu, có vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện và phạm vi xét xử phúc thẩm hay không

Tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự: “1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ, việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.

Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định, khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Như vậy, việc xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyền của Toà án khi giải quyết vụ việc dân sự mà không phụ thuộc vào việc đương sự có yêu cầu hay không.

Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn tháo dỡ nhà, trả lại đất (Bị đơn đã tặng cho nguyên đơn theo hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất). Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn đã được cơ quan có thẩm quyền chỉnh lý biến động trang 4 sang tên nguyên đơn.

Bị đơn không đồng ý và có đơn phản tố, yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu do giả tạo, hủy phần chỉnh lý biến động trang 4 (sang tên cho nguyên đơn). Bản án sơ thẩm quyết định, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Tuyên hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận.

 Nguyên đơn kháng cáo. Tại giai đoạn phúc thẩm, Tòa án xem xét, vẫn xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu. Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, tuyên sửa bản án sơ thẩm, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban đầu do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp cho bị đơn. Vì cho rằng việc Ủy ban nhân dân cấp giấy cho bị đơn là chưa đúng quy định.

Vấn đề đặt ra, việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn có vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu của các đương sự hay không và có vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm theo Điều 293 luật Tố tụng Dân sự năm 2015 hay không.

Điều 293 quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm,Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị”.

Ngoài ra, việc Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp cho bị đơn sẽ ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của bị đơn và Ủy ban nhân dân.

Trên đây là quan điểm của bản thân trong quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Mong nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp.

 

Mỹ Duyên – Phòng 9 (G)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print