Ngày 30/10/2024, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Mai Tuấn Hùng, Nguyễn Huy Bình, về tội “Cố ý gây thương tích” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 134; khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự do có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Tịnh Biên.
Kiểm sát viên phát biểu tại phiên tòa
Nhận thấy Bản án hình sự sơ thẩm số 57 ngày 26/8/2024 của Tòa án nhân dân thị xã Tịnh Biên tuyên phạt Mai Tuấn Hùng 01 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo, 09 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” nhưng cho hưởng án treo; xử phạt bị cáo Nguyễn Huy Bình 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo, 06 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” nhưng cho hưởng án treo là chưa đúng quy định pháp luật, VKSND thị xã Tịnh Biên đã chủ động báo cáo VKSND tỉnh An Giang đề xuất kháng nghị phúc thẩm. Qua nghiên cứu, trao đổi, Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm thống nhất với VKSND thị xã Tịnh Biên trong việc ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm một phần bản án hình sự sơ thẩm về việc áp dụng pháp luật và hình phạt, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm theo hướng không cho các bị cáo hưởng án treo.
Nhận thấy cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Mai Tuấn Hùng, Nguyễn Huy Bình về 02 tội “Cố ý gây thương tích” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản” là có căn cứ. Tuy nhiên, các bị cáo đã vô cớ dùng dao tự chế gây thương tích cho bị hại Nguyễn Văn Quí với tỉ lệ thương tích là 02% và dùng vỏ chai nước ngọt bằng thủy tinh ném vào cửa nhà, kính và gạch trước sân nhà của Quí làm hư hỏng tài sản giá trị 2.285.000 đồng. Hành vi của các bị cáo Hùng và Bình đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”, với tình tiết định khung “Dùng hung khí nguy hiểm” và “Có tính chất côn đồ” quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 134 và tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho các bị cáo hưởng án treo là không đúng hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.
Bị cáo nói lời sau cùng
Ngoài ra, sau khi bị Tòa án nhân dân thị xã Tịnh Biên xét xử một ngày, các bị cáo Hùng và Bình lại tiếp tục thực hiện hành vi “Gây rối trật tự công cộng”, vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thị xã Tịnh Biên thụ lý giải quyết tin báo. Điều này chứng tỏ các bị cáo không có khả năng tự cải tạo nếu không bắt các bị cáo chấp hành hình phạt tù – không đảm bảo điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP.
Xét thấy quyết định kháng nghị của VKSND thị xã Tịnh Biên là có căn cứ, VKSND tỉnh An Giang đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị, sửa bản án sơ thẩm, không cho các bị cáo hưởng án treo. Sau thời gian nghị án, Hội đồng xét xử thống nhất với quan điểm của Viện Kiểm sát, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm d khoản 2 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND thị xã Tịnh Biên; xử phạt Mai Tuấn Hùng 01 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” và 09 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”; bị cáo Nguyễn Huy Bình 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và 06 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Ngoài ra, bản án còn tuyên tổng hợp hình phạt theo quy định.
Kết quả trên cũng đã khẳng định quyền năng pháp lý quan trọng của Viện Kiểm sát trong công tác kháng nghị khi xét thấy bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhằm đảm bảo việc xét xử nghiêm minh và đúng pháp luật.
Thu Hương – Phòng 7 (G)