Sau khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan có hiệu lực thi hành,Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Long Xuyên thông qua các cuộc họp định kỳ, hội nghị sơ kết quý, 06 tháng, năm và các cuộc họp đột xuất đã phổ biến, quán triệt kịp thời đến Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị.
Cụ thể đã phổ biến, quán triệt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020và các văn bản pháp luật liên quan như Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên; Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm; khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên tại Tòa án theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Nghị định số 16/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Giải đáp số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/7/2021 một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án, phần V Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023, Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 05/10/2022 quy định về lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân (cụ thể Điều 6 quy định về lập hồ sơ kiểm sát việc công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án), Giải đáp số 4962/VKSTC-V14 ngày 15/11/2023 của VKSND tối cao.
Bên cạnh đó, tiến hành phân công Kiểm sát viên thực hiện việc theo dõi, vào sổ thụ lý và tiến hành lập phiếu kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Kiểm sát viên đã thực hiện kiểm sát về các nội dung:
Thứ nhất, kiểm sát về hình thức quyết định có đúng với biểu mẫu được quy định tại Công văn số 235/TANDTC-PC ngày 31/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao.
Thứ hai, kiểm sát về thời hạn gửi quyết định căn cứ vào khoản 4 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để xác định thời hạn gửi quyết định cho Viện kiểm sát có đúng quy định.
Thứ ba, kiểm sát thời hạn Thẩm phán ra quyết định theo khoản 2 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo đó, thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo.
Thứ tư, thực hiện quyền kiến nghị của Viện Kiểm sát. Sau khi nghiên cứu các nội dung thỏa thuận, nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên trong quyết định của Tòa án vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này, Viện Kiểm sát có quyền kiến nghị. Về thời hạn xem xét để ban hành kiến nghị là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án. Bản kiến nghị của Viện Kiểm sát phải gửi đến Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo Điều 37 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Kiểm sát viên lập hồ sơ kiểm sát theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 05/10/2022 quy định về lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Về bồi dưỡng nghiệp vụ: Kiểm sát viên tham gia các lớp bồi dưỡng do trường nghiệp vụ tổ chức, tự nghiên cứu Luật, các Thông tư và văn bản giải đáp, hưỡng dẫn của Tòa án và của Ngành để vận dụng vào công tác thực tiễn.
Theo số liệu thống kê từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/5/2024, tổng số vụ việc được hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân thành phố Long Xuyên có quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án 769 (trong đó 75 dân sự, 694 hôn nhân gia đình). Cụ thể:
– Năm 2021: 127 (hôn nhân gia đình)
– Năm 2022: 322 (27 dân sự, 295 hôn nhân gia đình)
– Năm 2023: 217 (14 dân sự, 203 hôn nhân gia đình)
– 06 tháng đầu năm 2024: 108 (34 dân sự, 69 hôn nhân gia đình)
Viện Kiểm sát cùng cấp đã kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án 75 vụ dân sự. Trong đó có 7 vụ Tòa án gửi không đúng thời hạn.
Kiểm sát 694 quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên tham gia hòa giải tại Tòa án, có 57 vụ Tòa án gửi không đúng thời hạn.
Qua công tác kiểm sát phát hiện 64 quyết định của Tòa án vi phạm về thời hạn gửi tại khoản 4 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; 25 quyết định có phần căn cứ chưa viện dẫn đầy đủ quy định của Luật. Từ đó, trao đổi Thẩm phán khắc phục vi phạm.
Với kết quả đạt được nói trên cho thấy lãnh đạo Viện đã quan tâm sâu sát và chỉ đạo kịp thời đối với công tác này, Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, năm vững các quy địunh của luật trong thực hiện chức năng của ngành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện còn gặp phải một số khó khăn nhất định như: Hiện nay chưa có quy định về việc chuyển hồ sơ và thời hạn chuyển hồ sơ của Tòa án cho Viện Kiểm sát cùng cấp để thực hiện quyền kiến nghị theo khoản 3 Điều 36 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về biểu mẫu các quyết định được quy định tại Công văn số 235/TANDTC-PC ngày 31/12/2021. Tại Điều 2 của các biểu mẫu Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án và Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên tham gia hòa giải tại Tòa án, nhưng chưa quy định về quyền đề nghị, quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định. Như vậy, các biểu mẫu này chưa phù hợp với Điều 36 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về phía ngành Kiểm sát, hiện nay cũng chưa có quy định hệ thống biểu mẫu thống nhất trong Ngành và hướng dẫn quy trình, kỹ năng kiểm sát để thực hiện chức năng kiểm sát theo Luật Hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Bên cạnh đó, các biểu mẫu ban hành kèm theo Công văn số 235/TANDTC-PC ngày 31/12/2021 của Chánh án TAND tối cao không thể hiện nội dung ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo, gây khó khăn cho công tác kiểm sát thời hạn ban hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Về vấn đề này, Vụ 14 VKSTND tối cao có Giải đáp số 4962/VKSTC-V14 ngày 15/11/2023 hướng dẫn Kiểm sát viên cần chủ động yêu cầu Tòa án cung cấp các thông tin trên để bảo đảm kiểm sát chặt chẽ quyết định.
Điều 36 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chỉ quy định Viện Kiểm sát có quyền kiến nghị nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, các bên thỏa thuận phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, tự nguyện thỏa thuận, đồng thời nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của Luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ và thỏa thuận đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 33 của Luật này. Tuy nhiên, đối với trường hợp phát hiện Tòa án có vi phạm về thời hạn gửi quyết định, viện dẫn thiếu điều luật trong phần căn cứ hay vi phạm thời hạn ra quyết định thì chưa có quy định Viện Kiểm sát có được ban hành kiến nghị hay không.
Để khắc phục khó khăn vướng mắc này, trong thời gian qua Kiểm sát viên VKSND thành phố Long Xuyên tự mở sổ theo dõi, tự xây dựng mẫu phiếu kiểm sát (trên cơ sở tham khảo mẫu số 37 ban hành kèm theo Quyết định số 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021) để thực hiện công tác kiểm sát trong giai đoạn chưa có biểu mẫu chung. Đồng thời tham khảo quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án quyết định giải quyết vụ án dân sự nói chung được ban hành kèm theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC ngày 06/9/2019 để áp dụng trong công tác kiểm các quyết định hòa giải, đối thoại thành tại Tòa á nhân dân thành phố Long Xuyên.
Để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp mhư sau:
– Bổ sung vào khoản 3 Điều 36 Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án theo hướng như sau: Để thực hiện quyền kiến nghị, Viện Kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tòa án phải chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát. Viện Kiểm sát gửi văn bản kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành đồng thời phải trả lại hồ sơ cho Tòa án.
– Ban hành hệ thống biểu mẫu thống nhất trong Ngành và hướng dẫn quy trình, kỹ năng để thực hiện chức năng kiểm sát theo Luật Hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án nhằm nâng cao chất lượng khâu công tác kiểm sát này.
– Đề nghị VKSND tối cao kiến nghị Chánh án TANDTC sửa đổi, bổ sung vào các biểu mẫu theo quy định của Công văn số 235/TANDTC-PC ngày 31/12/2021 cho phù hợp với quy định tại Điều 36 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: “Các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị, Viện Kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định của Tòa án”. Đồng thời bổ sung nội dung quy định ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo trong mẫu quyết định để thuận tiện cho việc kiểm sát thời hạn ra quyết định của Tòa án theo Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Kiều Diễm – VKSND TP Long Xuyên (Q)