Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2024 của ngành Kiểm sát An Giang và một trong những nhiệm vụ quan trọng, đó là công tác đào tạo. Nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa dân sự. Tiếp tục triển khai thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp và Quy chế phối hợp số 1332 ngày 15/11/2019 của Liên ngành Viện Kiểm sát – Tòa án nhân dân tỉnh An Giang, về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp.
Ngày 10/7/2024, Tòa án nhân dân huyện Thoại Sơn phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thoại Sơn đưa ra xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” giữa nguyên đơn Nguyễn Văn Tâm, sinh năm 1978 và bị đơn Võ Thị Tuyết Nhung (Mai), sinh năm 1983.
Quang cảnh phiên tòa
Theo nội dung vụ việc: Vào ngày 13/01/2019, ông Nguyễn Văn Tâm có bán lúa giống loại lúa ST24 cho bà Võ Thị Tuyết Nhung (Mai). Ông Tâm giao lúa giống cho bà Nhung 02 lần, lần thứ nhất giao vào ngày 13/01/2019 với số lượng là 8.300 kg, giá lúa là 18.000 đồng/kg, bà Nhung có làm biên nhận nợ. Lần thứ 2 bà Nhung yêu cầu ông Tâm đem thêm 1.700 kg lúa giống vào ngày 02/02/2019 nhưng không làm biên nhận nợ. Nay bà Võ Thị Tuyết Nhung còn nợ ông Nguyễn Văn Tâm tổng cộng 10 tấn lúa giống loại lúa ST24 thành tiền là 180.000.000 đồng. Tuy nhiên, ông Tâm có mua thuốc dưỡng của bà Nhung với số tiền là 36.000.000 đồng, ông Tâm đã trả cho bà Nhung được 15.000.000 đồng còn nợ lại 21.000.000 đồng. ông Tâm đồng ý khấu trừ tiền mua thuốc dưỡng ông Tâm còn nợ nên ông Tâm chỉ khởi kiện yêu cầu bà Võ Thị Tuyết Nhung có trách nhiệm trả cho ông số tiền 159.000.000 đồng và không yêu cầu tính lãi suất.
Phía bị đơn bà Võ Thị Tuyết Nhung thừa nhận có nhận của ông Tâm 10 tấn lúa giống loại lúa ST24 giá 18.000 đồng/kg thành tiền là 180.000.000 đồng, nhưng không đồng ý trả tiền vì cho rằng nguyên nhân bà thu hoạch thua lỗ là do chất lượng lúa giống của ông Tâm không đạt nên bà không đồng ý trả tiền, bà không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đồng ý khấu trừ số tiền 21.000.000 đồng ông Tâm còn nợ bà vào tiền lúa giống, bà Nhung chỉ còn nợ ông Tâm 159.000.000 đồng.
Kiểm sát viên phát biểu tại phiên tòa
Trong quá trình xét xử, Kiểm sát viên đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình tại phiên tòa như tham gia xét hỏi, phát biểu làm rõ nội dung và các chứng cứ vụ án. Qua đó, phát biểu quan điểm của Viện Kiểm sát về giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” phù hợp nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Thông qua công tác xét xử, nhằm năng cao hơn nữa nhận thức pháp luật của người dân trong việc mua bán tài sản, hàng hóa, vật tư … phải lập thành văn bản để bảo đảm quyền lợi giữa các bên về sau khi có tranh chấp. Người mua thì phải có nghĩa vụ trả tiền theo thỏa thuận và người bán cũng phải đảm bảo chất lượng, có hướng dẫn cách thức ngăn ngừa lỗi hoặc khuyết tật trong sản xuất và hạn chế các vấn đề rủi ro do khách quan hay chủ quan khi cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ tới khách hàng. Mục tiêu của các bên là mang tới cho nhau sự tin tưởng rằng các yêu cầu về nghĩa vụ, quyền lợi, về chất lượng sẽ được đáp ứng. Nhìn chung về cơ bản Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thoại Sơn – Tòa án nhân dân huyện Thoại Sơn đã thực hiện tốt việc xét xử các phiên Tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp. Qua đó cũng góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Sau phiên tòa, đơn vị đã tổ chức họp đóng góp ý kiến để rút kinh nghiệm chung, các thành viên dự họp đã nghe các ý kiến đóng góp chân thành của đồng nghiệp, nhận ra những hạn chế và rút ra được những kinh nghiệm hay cho Kiểm sát viên nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng xét hỏi, phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa dân sự, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ngành Kiểm sát trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.
Nguyễn Diệu – VKSND huyện Thoại Sơn (T)