Tăng cường công tác tiếp công dân, kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trong ngành Kiểm sát An Giang

Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 118-NQ/BCSĐ ngày 02/02/2024 của Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát nhân dân và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Mục đích của Kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát An Giang và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đối với các cơ quan tư pháp hai cấp thuộc tỉnh An Giang.

Một buổi tiếp công dân của Lãnh đạo Viện – Ảnh: Nguyễn Mạnh

Trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng VKSND tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hai cấp Kiểm sát tỉnh An Giang phải xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, uy tín và hình ảnh của ngành Kiểm sát.

Thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; phân loại, xử lý và giải quyết đơn kịp thời, chính xác đảm bảo căn cứ pháp luật; tăng cường thực hiện chức năng Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp theo đúng quy định.

Để thực hiện đạt yêu cầu đề ra, Ban Cán sự đảng giao nhiệm vụ cho Viện trưởng VKSND tỉnh, Viện trưởng VKSND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu của công dân thuộc thẩm quyền. Ban hành, tổ chức thực hiện nội quy, quy chế của đơn vị trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân theo quy định; chú trọng đề ra các biện pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, nhất là đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Kiểm sát viên tiếp công dân – Ảnh: Nguyễn Mạnh

Song song đó, phải bố trí cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, có chuyên môn nghiệp vụ tốt, có kinh nghiệm thực hiện việc tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

Đồng thòi nâng cao trách nhiệm trong việc trả lời các kiến nghị của cử tri; xử lý theo thẩm quyền, giải quyết dứt điểm, đúng quy định các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người, dư luận xã hội quan tâm; quản lý, đôn đốc chặt chẽ, bảo đảm tiến độ, đúng quy định pháp luật đối với đơn do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội; Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp chuyển đến.

Hoạt động thanh tra công vụ về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm đối với cán bộ vi phạm phải được tăng cường. Chủ động phối hợp với các ngành tư pháp cùng cấp rà soát lại các nhiệm vụ, xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc báo cáo, đề xuất cấp ủy ban hành Chỉ thị về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại địa phương.

 

Huỳnh Trần

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print