Phòng 10 VKSND tỉnh An Giang phối hợp thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm

Thực hiện Kế hoạch, Chương trình Công tác kiểm sát năm 2024 và Quy chế Phối hợp tổ chức thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm. Ngày 30/9/2024, Phòng 10, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) và Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang, phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại, về “Tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu”, giữa nguyên đơn bà Trương Thị Ngọc Thảo, do Luật sư Nguyễn Thị Sinh, Luật sư Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện ủy quyền; bị đơn vợ, chồng ông, bà Dương Thanh Tùng và Nguyễn Thị Thu Ngân.

Nội dung vụ án: Hộ kinh doanh nhà riêng “Cô Giáo Thảo 666”, tổ 4, khóm Vĩnh Tây 3, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; được Phòng Tài chính Kế hoạch thành phố Châu Đốc cấp Giấy chứng nhận đăng ký (GCNĐK) kinh doanh lần đầu số 52B8007014 ngày 25/06/2009, thay đổi lần thứ 2 ngày 15/10/2013; được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp GCNĐK nhãn hiệu số 168037 ngày 20/07/2011.

Qua hoạt động kinh doanh, bà Thảo biết được vợ, chồng ông, bà Dương Thanh Tùng, Nguyễn Thị Thu Ngân đang buôn bán sản phẩm mắm các loại, tại cửa hàng, sử dụng biển hiệu “MẮM GIÁO THẢO 9999 CÔ THẢO” và sử dụng biển hiệu này để kinh doanh. Bà Thảo đã gửi yêu cầu giám định nhãn hiệu, tại Viện Khoa học, Cục Sở hữu trí tuệ; đã có 02 Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH48322YC/KLGĐ và NH48422YC/KLGĐ, cùng ngày 19/10/2022, xác định cả 02 Hộ Kinh doanh (ông Tùng và bà Ngân) đều có yếu tố của hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐK nhãn hiệu số 168037. Bà Thảo cho rằng, hành vi của hai hộ kinh doanh ông Tùng và bà Ngân xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ và làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, dẫn đến việc giảm doanh thu bán hàng của bà Thào, nên đã khởi kiện, yêu cầu TAND tỉnh An Giang chấm dứt hành vi xâm phạm.

Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, ông Tùng, bà Ngân không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Thảo.

Tham dự phiên tòa, có Lãnh đạo, Kiểm sát viên Phòng 10, VKSND tỉnh; Thẩm phán, Thư ký TAND tỉnh. Quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên đã nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu hồ sơ vụ án; dự kiến tình huống phát sinh, chuẩn bị đề cương hỏi; Báo cáo đề xuất, Bài phát biểu ý kiến tại phiên tòa bằng văn bản bảo đảm đầy đủ, toàn diện, chính xác, được Lãnh đạo Phòng, Lãnh đạo Viện có ý kiến, phê duyệt.

Quang cảnh phiên tòa

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành và tham gia tố tụng; căn cứ tài liệu, chứng cứ hồ sơ vụ án, diễn biến, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm, đề nghị và được Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu, tuyên: Căn cứ Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, buộc hộ kinh doanh của ông Dương Thanh Tùng và bà Nguyễn Thị Thu Ngân chấm dứt về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Kiểm sát viên phát biểu quan điểm giải quyết vụ án

Sau phiên tòa, VKSND và TAND tỉnh An Giang, tổ chức họp đóng góp ý kiến, về những ưu điểm, hạn chế của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa, Thư ký phiên tòa; góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đối với đội ngũ Công chức, Kiểm sát viên, Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, chuẩn bị xét xử, tiến hành phiên tòa, việc kiểm sát hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương trong thời gian tới.

 

Đàm Như – Phòng 10 (Q)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print