Đối với Ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay, trước những yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chiến lược cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, đặt ra yêu cầu ngành Kiểm sát nhân dân phải phát huy tính tự lực, tự cường và phải đổi mới toàn diện, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực công tác, trong đó trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, như Bác Hồ đã từng khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, yêu cầu đặt ra là Kiểm sát viên phải nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, vạch ra kế hoạch rõ ràng một cách chủ động để hoàn thành tốt công việc được phân công.
Chức năng thực hành quyền công tố của Viện Kiểm sát nhân dân được thực hiện xuyên suốt, bao quát quá trình tố tụng kể từ khi giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử vụ án cho đến khi có bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật với yêu cầu bảo đảm mọi hành vi phạm tội và người phạm tội được phát hiện kịp thời, đầy đủ, xử lý nghiêm minh, có căn cứ và đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không để làm oan người vô tội. Để thực hiện tốt yêu cầu đó, đòi hỏi phải tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự. Vì vậy, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp, trong đó có Chỉ thị số 06/CTVKSTC ngày 6/12/2013 “Về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm” và Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 “Về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”
Với nhiệm vụ thực hành quyền công tố KSĐT, KSXX các vụ án hình sự, sau nhiều giai đoạn thay đổi tên tương ứng với chức năng nhiệm vụ chuyên môn được giao, hiện nhiệm vụ chính của Phòng 1 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang là thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về an ninh, ma túy, kinh tế và tham nhũng, chức vụ. Yêu cầu về tính chủ động và sáng tạo của Kiểm sát viên được đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết. Việc nâng cao tính chủ động, sáng tạo của Kiểm sát viên là nâng cao phong cách làm việc khoa học, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Không ngừng chủ động, không ngừng sáng tạo để đạt chất lượng và hiệu quả tốt nhất trong thực hiện nhiệm vụ.
Để tăng cường tinh thần trách nhiệm và tính chủ động của cán bộ, Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ thì định kỳ hàng tháng/quý, lãnh đạo Viện, lãnh đạo Phòng thực hiện việc kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên nên từ đó Kiểm sát viên chủ động sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc được giao, không trì hoãn, kéo dài; có tinh thần trách nhiệm với công việc được giao, với đơn vị, không ngừng nỗ lực, học hỏi, bổ sung kiến thức về lý luận, văn bản pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, từ đó tạo ra tư duy mới, giải pháp mới, mạnh dạn đề xuất những sáng kiến để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác của Phòng. Chủ động, sáng tạo của Kiểm sát viên là một trong những yêu cầu được Viện trưởng Viện KSND tối cao đặt ra trong Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 của Viện KSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, theo đó “Kiểm sát viên phải nâng cao trách nhiệm, chủ động hơn, sâu sát hơn, toàn diện hơn khi thực hành quyền công tố trong quá trình giải quyết vụ án, từ giai đoạn xác minh tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, đến giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự”.
Ngay từ đầu năm, căn cứ vào kế hoạch công tác năm của đơn vị, lãnh đạo Phòng phân công mỗi Kiểm sát viên phụ trách đảm nhiệm một số chỉ tiêu như: kiến nghị tổng hợp vi phạm pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, kiến nghị phòng ngừa, kiểm sát trực tiếp nguồn tin về tội phạm tại các đơn vị,… Sau khi được phân công nhiệm vụ, các Kiểm sát viên của Phòng sẽ lập kế hoạch thực hiện phù hợp và định kỳ hàng quý sẽ báo cáo tiến độ thực hiện cho lãnh đạo Phòng để kịp thời định hướng và chỉ đạo.
Riêng Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tin báo và kiểm sát điều tra luôn chủ động phối hợp với Điều tra viên nắm chắc diễn biến tố tụng và nội dung vụ án, vụ việc, tiến độ giải quyết, đề ra yêu cầu xác minh và yêu cầu điều tra kịp thời, phù hợp, bảo đảm nguồn tin về tội phạm được giải quyết kịp thời kịp thời, không để oan sai và bỏ lọt tội phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Thường xuyên báo cáo tiến độ giải quyết vụ việc cho Lãnh đạo Phòng tại cuộc họp tuần của đơn vị.
Cùng với thực hiện Chỉ thị số 05 năm 2020 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phòng đã quán triệt sâu sắc lời dạy của của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; quyết tâm thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả”; chủ động triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp và các yêu cầu công tác của Ngành, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu công tác và kế hoạch đề ra. Các vụ án do đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đều đạt chất lượng tốt, không có trường hợp nào Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội; không có trường hợp nào Tòa án xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội. Phối hợp đồng bộ, có hiệu quả với các Cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh nhằm tập trung giải quyết tốt các vụ án an ninh, ma túy, kinh tế, tham nhũng và chức vụ; các vụ án thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy trực tiếp theo dõi, đôn đốc; vụ án dư luận xã hội quan tâm phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
Trong những năm qua, số lượng các vụ án ma túy, kinh tế, tham nhũng, chức vụ mà Phòng 1 thụ lý rất nhiều, cụ thể: Từ khi thành lập tháng 02/2020 đến tháng 5/2024, Phòng 1 thụ lý kiểm sát điều tra án ma túy 29 vụ – 119 bị can; án kinh tế 43 vụ – 170 bị can; án tham nhũng, chức vụ 04 vụ – 28 bị can; đã truy tố 75 vụ – 311 bị can. Cụ thể: Vụ An Ngọc Hà, Nguyễn Văn Tài xảy ra vào ngày 15/5/2020, tại huyện An Phú, tỉnh An Giang, vận chuyển trái phép 40 kg ma túy loại Methamphetamine từ Campuchia về Việt Nam bị phát hiện bắt quả tang; Vụ Nguyễn Thị Kim Hạnh cùng 23 đồng phạm về tội “Buôn lậu” (51 kg vàng) xảy ra năm 2021 tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; Vụ Ngô Hoàng Hiếu cùng đồng phạm “Tham ô tài sản” xảy ra từ năm 2019 đến năm 2021 tại Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới với số tiền chiếm đoạt hơn 3,4 tỷ đồng….
Đây là những vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, các bị can có mối quan hệ xã hội rộng; thủ đoạn phạm tội tinh vi, sự việc phạm tội xảy ra nhiều năm mới bị phát hiện; hành vi phạm tội liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương;…, tuy nhiên lực lượng Kiểm sát viên của Phòng 1 không nhiều chỉ có 05 Kiểm sát viên trung cấp, khối lượng công việc khá nhiều, nhưng lãnh đạo Phòng, kiểm sát viên luôn có trách nhiệm với công việc, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, thấu hiểu, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, tạo mọi điều kiện để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao; năng động, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, nắm chắc các quy định của pháp luật. Lãnh đạo Phòng luôn nêu cao trách nhiệm tiền phong, gương mẫu, sẵn sàng đảm trách những vụ án khó, phức tạp để giải quyết; việc chỉ đạo, điều hành khoa học, có chương trình, kế hoạch, phân công, phân nhiệm rõ ràng; luôn dân chủ trong công tác lãnh đạo, điều hành, nên mọi nhiệm vụ của Phòng đều được đưa ra bàn bạc, thống nhất và được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời theo chỉ đạo của Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, tập thể Phòng 1 luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần vào thành tích chung của đơn vị. Phòng được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và danh hiệu thi đua cho tập thể và các nhân: Tập thể lao động xuất sắc các năm 2007, 2021; Cờ thi đua dẫn đầu khối ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021; Tập thể lao động tiên tiến nhiều năm. Bằng khen của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020. Bằng khen của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và nhiều Giấy khen của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang trong nhiều phong trào thi đua ngắn hạn nhiều năm. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, có nhiều thành tích trong công tác chuyên môn. Những thành tích và kết quả đạt được của đơn vị đã góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương và tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước.
Đạt được những thành tích như trên là được sự quan tâm của của Đảng ủy, Lãnh đạo Viện. Đặc biệt là sự đoàn kết, phối hợp giữa các Kiểm sát viên của Phòng trong thực hiện nhiệm vụ chung. Ý thức tự giác học tập để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của mỗi cá nhân, sự chỉ đạo quyết liệt, thực hiện tốt công tác THQCT kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự về an ninh, ma túy, kinh tế và tham nhũng, chức vụ, góp phần đóng góp quan trọng vào thành tích của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang trong việc xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát nói chung và Kiểm sát An Giang nói riêng.
Anh Thảo – Phòng 1 (Q)