Kết luận điều tra, truy tố vắng mặt bị can

Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015, dự kiến được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, bên cạnh các đề xuất sửa đổi về trình tự, thẩm quyền tố tụng hình sự phù hợp với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của Nhà nước ta thì còn có một nội dung bổ sung rất đáng chú ý, đó là quy định về việc kết luận điều tra và truy tố vắng mặt bị can trong hai trường hợp: (1) bị can bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả, hoặc (2) bị can đang ở nước ngoài và không thể triệu tập về nước để phục vụ hoạt động tố tụng. Quy định này, được nêu tại khoản 2 Điều 233 và khoản 2 Điều 243 của dự thảo, là một bước tiến đáng chú ý trong việc hoàn thiện khung pháp lý tố tụng hình sự tại Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần thảo luận về tính khả thi và bảo đảm quyền con người.

Ý nghĩa và sự cần thiết của quy định mới

Quy định mới này được đưa ra để giải quyết những bất cập trong thực tiễn tố tụng hình sự. Hiện nay, BLTTHS 2015 chỉ cho phép xét xử vắng mặt bị can trong một số trường hợp nhất định, nhưng chưa có quy định rõ ràng về việc kết luận điều tra hoặc truy tố khi bị can vắng mặt. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều vụ án, đặc biệt là các vụ án nghiêm trọng như tham nhũng, rửa tiền hoặc lừa đảo xuyên quốc gia, phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn hoặc không thể triệu tập. Hậu quả là việc xử lý tội phạm bị chậm trễ, tài sản bất hợp pháp khó thu hồi, gây thiệt hại lớn cho nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Việc bổ sung quy định về kết luận điều tra và truy tố vắng mặt bị can giúp cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có cơ sở pháp lý để tiếp tục tố tụng, ngay cả khi bị can vắng mặt, miễn là đã có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và bảo đảm quyền bào chữa theo quy định pháp luật. Điều này không chỉ tăng cường hiệu quả xử lý tội phạm mà còn góp phần bảo vệ lợi ích công lý, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm xuyên quốc gia ngày càng phức tạp. Hơn nữa, quy định này phù hợp với xu hướng quốc tế, khi nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp tố tụng vắng mặt để đối phó với tội phạm bỏ trốn hoặc lẩn tránh pháp luật.

Những vấn đề cần cân nhắc

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, quy định mới cũng đặt ra một số vấn đề cần thận trọng cân nhắc, đặc biệt liên quan đến việc bảo đảm quyền con người và tính công bằng trong tố tụng. Theo Điều 13 BLTTHS 2015, nguyên tắc suy đoán vô tội yêu cầu mọi cá nhân bị buộc tội được coi là vô tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Việc truy tố vắng mặt, nếu không được thực hiện chặt chẽ, có thể dẫn đến nguy cơ vi phạm quyền bào chữa của bị can, đặc biệt trong trường hợp bị can không nhận được các văn bản tố tụng như Bản kết luận điều tra và Cáo trạng. Tuy dự thảo đã có quy định về niêm yết để đảm bảo quyền của bị can nhưng theo người viết, quy định này vẫn còn bất cập. Cụ thể, dự thảo quy định “Trường hợp truy tố bị can theo quy định tại khoản 2 Điều 243 của Bộ luật này thì trong thời hạn nêu trên, cáo trạng phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập cuối cùng của bị can. Việc dùng từ “nơi cư trú cuối cùng” chưa đủ rõ ràng. “Nơi cuối cùng” được xác định dựa trên tiêu chí nào về thời gian, không gian, tính công khai trong việc cư trú của bị can? Theo khoản 2 Điều 2, Luật cư trú sửa đổi năm 2025: “Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã)”. Như vậy, khi công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc cấp xã (bất luận đã đăng ký hay chưa, bất luận thời gian sinh sống bao lâu) thì đã gọi là cư trú tại địa điểm đó. Sự thiếu rõ ràng này dễ dẫn đến việc bị can/người bào chữa khai thác để lập luận VKS vi phạm tố tụng dẫn đến không thể truy cứu trách nhiệm hình sự bị can. Ví dụ, theo kết quả điều tra, nơi cư trú cuối cùng của bị can tại xã A trước khi bị can trốn ra nước ngoài, nên VKS niêm yết cáo trạng tại xã A. Nhưng sau khi bắt được bị can, bị can xuất trình được bằng chứng rằng mình đã ở xã B trước khi trốn ra nước ngoài nên VKS niêm yết cáo trạng không đúng nơi cư trú cuối cùng, vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Thứ hai, quy định mới cần làm rõ các biện pháp để bảo đảm quyền bào chữa của bị can vắng mặt. Dự thảo nhấn mạnh rằng quyền bào chữa phải được bảo đảm, nhưng chưa quy định cụ thể cách thức thực hiện, chẳng hạn như việc chỉ định luật sư bào chữa.

Đề xuất hoàn thiện quy định

Để quy định mới phát huy hiệu quả, bảo đảm tính công bằng và quyền con người, cần xem xét một số giải pháp sau:

Thứ nhất, sửa đổi cụm từ “nơi cư trú cuối cùng” trong BLTTHS thành “nơi đăng ký cư trú cuối cùng” (khoản 5 Điều 2, Luật cư trú quy định: Đăng ký cư trú: là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú) để có căn cứ xác định được cụ thể, rõ ràng, không thể tranh cãi địa điểm cần niêm yết các văn bản tố tụng. Đồng thời, bổ sung quy định về việc thông báo trên các cổng thông tin điện tử của các cơ quan tiến hành tố tụng, các phương tiện truyền thông về việc niêm yết nhằm tạo điều kiện tối đa cho bị can tiếp nhận thông tin.

Thứ hai, cần bổ sung cơ chế chỉ định luật sư bào chữa cho bị can vắng mặt, nhằm bảo đảm quyền bào chữa được thực hiện đầy đủ.

Thứ ba, cần xây dựng điều kiện áp dụng, quy trình giám sát chặt chẽ để ngăn ngừa việc lạm dụng quy định về điều tra và truy tố vắng mặt.

Kết luận

Quy định mới về kết luận điều tra và truy tố vắng mặt bị can trong dự thảo sửa đổi BLTTHS là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm và khắc phục những bất cập trong thực tiễn tố tụng. Tuy nhiên, để bảo đảm tính công bằng và phù hợp với các nguyên tắc pháp quyền, quy định này cần được quy định chặt chẽ, áp dụng thận trọng với các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền con người và tính công bằng trong pháp luật. Nếu được triển khai hiệu quả, quy định này không chỉ góp phần bảo vệ công lý mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam.

Đức Anh – Phòng 7

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print