Giới thiệu nội dung buổi giao lưu tọa đàm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu

Ngày 25/02/2025, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh An Giang đã tổ chức Hội nghị Điển hình tiên tiến lần thứ V năm 2025. Nét mới của Hội nghị lần này là việc thực hiện chương trình trực tiếp giao lưu, tọa đàm với các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu giai đoạn 2020 – 2024.

Chương trình giao lưu, tọa đàm với các gương
điển hình
tiên tiến tiêu biểu – Ảnh: Nguyễn Mạnh

Buổi tọa đàm xoay quanh việc hỏi và đáp giữa người dẫn chương trình và 04 gương điển hình tiên tiến tiêu biểu của hai cấp Kiểm sát An Giang do Ban Tổ chức Hội nghị lựa chọn, gồm:

– Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang;

-Ông Đỗ Quốc Sĩ, Phó Trưởng phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án;

– Ông Nguyễn Kiến Thịnh, Viện trưởng VKSND thị xã Tân Châu;

– Bà Võ Thị Ngọc Diễm, Kiểm sát viên sơ cấp, VKSND huyện Tri Tôn.

Để tăng cường công tác tuyên truyền, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng tại hai cấp Kiểm sát An Giang, Trang Thông tin điện tử VKSND tỉnh An Giang xin giới thiệu đến quý bạn đọc nội dung buổi giao lưu, tọa đàm tại Hội nghị.

Hỏi: Thưa chị Nguyễn Thị Thùy Trang, được biết trong giai đoạn 2020 – 2024 chị đã 02 lần được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân” và nhiều lần được tặng Bằng khen, Giấy khen. Xin chị hãy chia sẻ những giải pháp, cách thức, cũng như các mục tiêu, động lực để đạt những thành tích nêu trên?

Đáp: Bản thân tôi luôn xác định mục tiêu thường xuyên, quan trọng nhất là phải hoàn thành tốt công việc được phân công và phấn đấu không để xảy ra sai sót. Vì trong công tác thi đua, người lao động sẽ được đánh giá dựa trên hiệu quả của việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó có 03 mục tiêu cụ thể, gồm:

– Phấn đấu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được bằng hai tiêu chí: đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu và phải đạt được kết quả tốt, chính xác. Bởi vì nếu kết quả tốt, nhưng mà trễ tiến độ thì không thể gọi là thi đua; hoặc hoàn thành sớm tiến độ, nhưng kết quả sai thì rất tai hại.

– Xác định nguyên tắc làm việc là: làm việc, nghiên cứu phải tới nơi, tới chốn; phải luôn học hỏi để có kiến thức, có kỹ năngthực hiện nhiệm vụ để đảm bảo kết quả giải quyết công việc nhanh, chính xác, hạn chế tối đa sai sót.

– Phải thường xuyên tăng cường mối quan hệ phối hợp, hợp tác và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau của đồng chí, đồng nghiệp trong đơn vị, vì theo tôi đây là vấn đề rất quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác.

Hỏi: Thưa anh Đỗ Quốc Sĩ, được biết, trong kỳ anh đã có nhiều sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp cơ sở, sáng kiến cấp Ngành. Xin anh  hãy cho biết những kinh nghiệm, cách thức cũng như phương pháp để xây dựng các sáng kiến, giải pháp đạt yêu cầu là gì?

Đáp: Theo tôi, sáng kiến kinh nghiệm là những ý tưởng, sáng tạo và cải tiến mới mà người đưa ra sáng kiến đã đúc kết, tích lũy từ những kiến thức, kỹ năng của mình trong một thời gian của quá trình công tác và làm việc. Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, sáng kiến kinh nghiệm là một nội dung quan trọng được lãnh đạo VKSND tối cao, VKSND tỉnh quan tâm và có nhiều chỉ đạo, hỗ trợ để động viên Kiểm sát viên, công chức hăng hái đăng ký, tham gia, thực hiện. Qua một số lần được công nhận sáng kiến, giải pháp, bản thân tôi xin chia sẻ một số điểm cần quan tâm như sau:

– Thứ nhất, phải xác định được sáng kiến kinh nghiệm được viết nhằm giải quyết thực trạng gì. Thực trạng đó mang tính phổ biến hay chỉ là đặc thù, có gắn liền với chuyên môn, nghiệp vụ mà mình đang thực hiện nói riêng cũng như trong ngành kiểm sát nói chung hay không? Có thể thấy, bản thân cụm từ “sáng kiến kinh nghiệm” là sự kết hợp giữa cái cũ và cái mới, dùng cái cũ (là kinh nghiệm) để đưa ra cái mới (sáng kiến). Thực tế cho thấy nhiều sáng kiến kinh nghiệm nhưng không xác định được sẽ giải quyết trọng tâm vấn đề gì, còn lan man, chung chung, trừu tượng, khó thuyết phục được Hội đồng xét duyệt.

– Thứ hai, sáng kiến kinh nghiệm phải đảm bảo cân đối giữa phần lý luận và phần thực tiễn. Qua thực tế trao đổi cho thấy rất nhiều bài sáng kiến kinh nghiệm trình bày rất hay, rất sâu, lôi cuốn về những vấn đề thực tiễn như là đã giải quyết được vụ việc, vụ án gì, đã tạo ra được sản phẩm, phần mềm, hệ thống gì nhưng lại chưa khái quát thành lý luận. Hoặc nhiều bài sáng kiến kinh nghiệm nghiêng quá nhiều về lý luận mà không có hoặc ít dẫn chứng thực tế, không có sản phẩm cụ thể.

– Thứ ba, sáng kiến kinh nghiệm phải được trình bày đúng mẫu, hình thức, đề cương, dàn ý theo quy định và hướng dẫn, diễn đạt súc tích, trôi chảy, kiểm tra chính tả chặt chẽ. Đây là các yếu tố thường dễ bị bỏ qua hoặc ít được quan tâm, ít được chú ý so với phần nội dung. Mặc dù các yếu tố vừa liệt kê chỉ là hình thức nhưng nó thể hiện sự chỉn chu của người viết, sự trang trọng của văn bản và sự tôn trọng đối với Hội đồng xét duyệt.

Hỏi: Thưa anh Nguyễn Kiến Thịnh, với vai trò là người đứng đầu tập thể có nhiều thành tích trong kỳ. Xin anh cho biết những phương thức, giải pháp nào đã được áp dụng trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành nằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đơn vị trong thời gian qua?

Đáp: Trong kỳ, VKSND thị xã Tân Châu đạt nhiều thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng, với vai trò người đứng đầu, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn tại đơn vị như sau:

– Trước tiên, người lãnh đạo phải gương mẫu, phải có tâm, biết tạo mối đoàn kết nội bộ. Trong đơn vị, nếu người đứng đầu chậm trễ, không quan tâm công việc thì công việc cơ quan sẽ không trôi trãi, tiến độ sẽ chậm và không đạt được các chỉ tiêu đã đề ra.

– Khi đứng trước tình hình khó khăn do thiếu biên chế (công chức, Kiểm sát viên luân phiên đi học, đào tạo, nghỉ thai sản…) nhưng mức độ công việc ngày càng nhiều, lượng án tăng, thì người đứng đầu phải bám sát Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch công tác của VKSND tỉnh hàng năm, đề ra Kế hoạch cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, phù hợp cho từng bộ phận theo từng quý, từng tháng, từng tuần công tác mới có thể đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời yêu cầu công chức, Kiểm sát viên đơn vị phải luôn choàng gánh cho nhau, các khâu công tác cần thực hiện nhịp nhàng để đạt hiệu quả, tạo thành tích chung cho đơn vị.

– Phải thường xuyên tổ chức họp cơ quan, đơn vị, yêu cầu các khâu công tác báo cáo tình hình tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Nếu có khó khăn vướng mắc phải kịp thời tháo gỡ, cho ý kiến. Bên cạnh đó, phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các khâu công tác, các kiểm sát viên thực hiện chỉ tiêu, đảm bảo đến quý III hằng năm là tất cả các chỉ tiêu cơ bản đều phải hoàn thành, quý IV tập trung giải quyết án để nâng cao tỷ lệ.

– Trong quá trình phân công, bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan với phương châm là “Chọn người cho công việc”, phải lựa chọn, bố trí phân nhiệm vụ phù hợp với sở trường, đảm bảo mỗi công chức, Kiểm sát viên đều thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo yêu cầu công việc.

Hỏi: Thưa chị Võ Thị Ngọc Diễm, là một Kiểm sát viên trực tiếp thực hiện vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp ở cơ sở (cá nhân lao động trực tiếp), chị đã có nhiều thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020 – 2024, xin chị hãy chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để đạt thành tích trong thời gian qua?

Đáp: Tôi xin chia sẻ lý do cũng như kinh nghiệm của bản thân để đạt được những thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian qua như sau:

– Thứ nhất, do bản thân được lãnh đạo phân công thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành được đào tạo nên có thể phát huy được sở trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

– Thứ hai, do bản thân được phân công nhiều loại tranh chấp khác nhau nên có điều kiện tiếp xúc, trải nghiệm với nhiều loại án từ đơn giản đến phức tạp từ đó bắt buộc bản thân phải nghiên cứu các quy định của pháp luật để tự trao dồi trình độ, kiến thức, kinh nghiệm. Ngoài ra cũng tham khảo thêm các bản án đã có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử của Tòa án mà đặc biệt là các thông báo rút kinh nghiệm của Ngành về các vụ án bị hủy sửa, từ đó tự phân loại, lưu trữ theo từng loại tranh chấp để tạo thành cẩm nang cho bản thân.

– Thứ ba, phải thường xuyên ra sức học hỏi, trao đổi nghiệp vụ với đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan, nhất là những anh chị Kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm, nhất là đối với những vụ án phức tạp để có đường lối giải quyết đúng đắn, phù hợp quy định của pháp luật.

Hỏi: Thưa chị Nguyễn Thị Thùy Trang, với vai trò Phó Viện trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến VKSND tỉnh, theo chị, hai cấp Kiểm sát An Giang cần phải làm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới?

Đáp: Như chúng ta đã biết, công tác thi đua, khen thưởng là một trong những hoạt động nhằm động viên, ghi nhận, biểu dương và tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn và các công tác khác, từ đó khuyến khích, động viên mọi người hăng hái lập thành tích trong công tác. Theo tôi, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp sau để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng tại hai cấp Kiểm sát An Giang:

– Về góc độ quản lý, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu hai cấp Kiểm sát, phải tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua đảm bảo thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

– Về góc độ cá nhân, mỗi công chức, người lao động VKSND hai cấp cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng là vì lợi ích chung; Bản chất của thi đua là sự tiến bộ với động cơ trong sáng, lành mạnh vì lợi ích của mọi người, của tập thể; không vì thành tích, hình thức, cạnh tranh, ganh đua không lành mạnh, “nói hay chứ làm không tốt” sẽ dễ dẫn đến sự ganh ghét, mất đoàn kết.

 – Bên cạnh đó, công tác đánh giá kết quả thi đua, xét đề nghị khen thưởng bảo đảm phải chính xác, công tâm, khách quan, được đánh giá trên số lượng và chất lượng thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Ngoài ra thì vai trò lớn nhất thuộc về bộ phận tham mưu về công tác thi đua – khen thưởng của đơn vị, cần phải kịp thời tham mưu việc triển khai, phát động các phong trào thi đua, theo dõi, ghi nhận và đề xuất Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng VKSND tỉnh xem xét, khen thưởng thường xuyên và đột xuất đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Hỏi: Thưa anh Nguyễn Kiến Thịnh, qua chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thùy Trang, với vai trò là một Thủ trưởng đơn vị cấp cơ sở, anh nhận thấy có cần bổ sung giải pháp nào hay đề xuất, kiến nghị gì đối với các cấp có thẩm quyền không?

Đáp: Qua chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thùy Trang về các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng của hai cấp Kiểm sát An Giang, bản thân tôi hoàn toàn thống nhất với những giải pháp trên.

Tuy nhiên, đối với những danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước là xét thành tích cả một quá trình, do vậy tôi xin có một kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền khi xét thành tích thi đua, đề nghị khen thưởng cần xem xét, ưu tiên việc nuôi dưỡng thành tích của tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích để có thể tích lũy thêm thành tích mới có thể đạt được danh hiệu thi đua hoặc khen thưởng hình thức cao hơn, từ đó tạo nên thành tích chung cho Ngành Kiểm sát An Giang.

Trên đây là nội dung buổi giao lưu, tọa đàm tại Hội nghị Điển hình tiên tiến lần thứ V năm 2025 của VKSND tỉnh An Giang, hy vọng có thể giúp ích cho công chức, người lao động hai cấp Kiểm sát An Giang trong việc học tập, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.

Tấn Để – Văn phòng

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print