Du khảo về nguồn tại Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp, Nhà mồ Ba Chúc

Thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2023, ngày 14/10/2023 Chi đoàn VKSND tỉnh An Giang tiến hành tổ chức hoạt động du khảo về nguồn tại 02 địa điểm Đồi Tức Dụp và Nhà mồ Ba Chúc.

Địa điểm đầu tiên mà Đoàn đến tham quan là Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp. Tức Dụp là một ngọn đồi của núi Cô Tô (còn có tên khác là Phụng Hoàng Sơn), nằm trong dãy núi Thất Sơn hùng vĩ thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đồi Tức Dụp cao 216m, diện tích trên 2km2, có chu vi hình cánh cung dài khoảng 3km. Ngọn đồi tuy nhỏ nhưng được cấu trúc bởi thiên nhiên độc đáo, bao gồm một hệ thống nhiều hang sâu, động lớn, ngõ ngách chằng chịt như mạng nhện do các tảng đá lớn, nhỏ chồng lên nhau.

Giữa tháng 6-1968, nhằm ngăn chặn sự càn quét khắp nơi của quân địch, lực lượng đặc công của ta đã đánh vào Tri Tôn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Mỹ cay cú do thất bại và khi biết núi Cô Tô, nhất là Tức Dụp, chính là bàn đạp tiến quân cho các trận đánh của quân ta, nên đêm 16, rạng sáng 17-11-1968, địch bắt đầu mở trận càn quét lớn mở đầu cho trận đánh 128 ngày đêm đầy ác liệt.

Tại Tức Dụp lúc đó, lực lượng ta lúc đó chỉ khoảng 200 quân với trang bị chỉ có súng trường, tiểu liên, trung liên và vài khẩu B40…. trong khi địch có tổng cộng khoảng 18 ngàn quân với trang thiết bị hiện đại như: súng đại bác, máy bay ném bom, các pháo đài B52, B57, F4…

Sau 128 ngày đêm chiến đấu với lực lượng không tương xứng, thiếu thốn mọi bề, quân ta đã trụ vững tại đồi Tức Dụp. Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến 4.700 tên, bắn cháy 11 xe tăng, 2 máy bay phản lực, 4 trực thăng, 9 khẩu pháo 105 ly, 1 máy bay cần cẩu và thu nhiều chiến lợi phẩm khác. Cuộc chiến ấy, bọn giặc ngông cuồng đã phải tốn hao đến 2 triệu đô-la Mỹ. Cũng từ trận đánh 128 ngày đêm ác liệt ấy, Tức Dụp sừng sững với tên gọi “Lá chắn Anh hùng”, vinh dự nhận tên mới “Đồi 2 triệu đô-la”.

Đoàn viên thắp hương tri ân các chiến sĩ đã hi sinh để bảo vệ độc lập dân tộc
tại hang Hội trường C6

Chiến tranh đã lùi xa, sự tàn khốc mà bom đạn chiến tranh để lại đã lùi dần vào quá khứ. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn đó những dấu tích của một thời vẻ vang và oanh liệt của quân và dân ta, đặc biệt là các cơ quan của Tỉnh ủy An Giang và Huyện ủy Tri Tôn như: Hội trường C6, hang Tuyên huấn, hang Tỉnh ủy, hang Hậu cần, hang Quân y, hang Điện cối 6, Vồ Năm Kiếm, Điện Mười Xem…

Sau khi tham quan hang Hội trường C6, đoàn di chuyển lên xe để tiếp tục hành trình về Nhà mồ Ba Chúc.

Nhà mồ đầu tiên được xây dựng ngay sau khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc vào năm 1979. Khi đó nhà mồ xây dựng khá đơn giản theo hình lục giác với đặc điểm nổi bật là 4 cánh tay cầm 4 thanh kiếm đẫm máu cắm thẳng xuống đất, thể hiện ý chí căm thù của người dân Việt Nam đối với bọn giết người man rợ Pôn Pốt. Năm 2013, nhà mồ được xây dựng lại, là một quần thể công trình rộng khoảng 5ha, gồm nhà mồ, nhà lưu niệm, hội trường và chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai.

Điểm nhấn công trình Nhà mồ Ba Chúc hiện tại được thiết kế hình hoa sen úp ngược, với 8 cánh hoa sen được sơn màu trắng, nhằm giảm bớt cảnh tang thương chết chóc. Mỗi cánh hoa sen là nơi trưng bày một nhóm hài cốt theo độ tuổi, giới tính khác nhau như: 86 phụ nữ trên 60 tuổi; 155 phụ nữ từ 21 đến 40 tuổi; 88 thiếu nữ từ 16 đến 20 tuổi; 264 trẻ em từ 3 đến 15 tuổi; 23 nam từ 16 đến 20 tuổi…

Đoàn viên thắp hương tưởng niệm những nạn nhân Ba Chúc bị sát hại trong chiến tranh
Biên giới Tây Nam

Qua chuyến hành trình tại 02 địa điểm di tích lịch sử, các đoàn viên được trải nghiệm thực tế, hiểu biết thêm về sự tàn khốc của chiến tranh và sự chiến đấu, hi sinh anh dũng của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Từ đó hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo thêm sự quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao khi trở về công tác tại đơn vị.

Một số hình ảnh khác

Thành Đạt, Bảo Lê – Chi đoàn VKSND tỉnh An Giang (D)

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print