Chi bộ khối Hình sự sinh hoạt Chuyên đề

Vào những ngày tháng 8, tại quê hương An Giang diễn ra rất nhiều hoạt động kỷ niệm, chào mừng 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Không chỉ là niềm tự hào của quê hương An Giang, Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn được cả nước trân trọng, quý mến. Kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người là dịp thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn của đất nước đối với Bác Tôn.Hòa chung không khí ấy, ngày 18/8/2023 Chi bộ khối Hình sinh tổ chức sinh hoạt chuyên đề hướng đến kỷ niệm ngày sinh của Bác.

Đồng chí Nguyễn Thành Phương – Bí thư Chi bộ triển khai văn bản

Tại buổi sinh hoạt, các đảng viên, đoàn viên của khối Hình sự đã được tìm hiểu về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác; những cống hiến to lớn của Bác Tôn với cách mạng Việt Nam và thế giới:

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sau tốt nghiệp tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên (năm 1906), năm 1907, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn với ý định học việc và thực hiện hoài bão cuộc đời.

Năm 1912, tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh trường Cơ khí Châu Á (trường Bá Nghệ Sài Gòn) bãi khóa.

Năm 1916, Tôn Đức Thắng làm việc trên chiến hạm Phơ-răng-xơ (France). Tại đây, Tôn Đức Thắng đã tham gia vào sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm Phơ-răng-xơ ở Biển Đen vào ngày 20/4/1919 và sau đó bị trục xuất khỏi nước Pháp.

Năm 1920, trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng tích cực tham gia hoạt động nghiệp đoàn và phong trào của giai cấp công nhân, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật ở Sài Gòn – hình thức tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

Tháng 8/1925, Tôn Đức Thắng cùng Công hội đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son giành được thắng lợi.

Năm 1927, đồng chí được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn.

Đồng chí Phạm Hải Cảng trình bày chuyên đề

Tháng 7/1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám Lớn (Sài Gòn), sau đó bị kết án 20 năm khổ sai, tháng 7/1930, bị đày ra Côn Đảo.

Ngày 23/9/1945, từ Côn Đảo trở về, ngày 15/10/1945, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách Ủy ban kháng chiến, chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ.

Ngày 06/01/1946, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I.

Tháng 02/1946, được điều động ra Hà Nội để cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc. Ngày 16/4/1946, được cử làm Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội sang thăm Pháp.

Ngày 28/10/1946, đồng chí được bầu làm Trưởng đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I và kết thúc kỳ họp, được bầu là Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội.

Tháng 01/1948, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng đã bầu bổ sung đồng chí Tôn Đức Thắng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Ngày 15/7/1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 22/9/1969, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa III, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Ngày 30/3/1980, Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần.

Đồng chí Tôn Đức Thắng là người thành lập Công hội bí mật – tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam; góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam Đồng chí Tôn Đức Thắng là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, sáng ngời đạo đức cách mạng;

Đồng chí Tôn Đức Thắng là một nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh.

Đồng chí Tôn Đức Thắng là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Tôn Đức Thắng là một chiến sĩ quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đồng chí Nguyễn Duy Thuấn trình bày chuyên đề

Qua buổi sinh hoạt chuyên đề 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, giúp đảng viên, đoàn viên hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng đạo đức, phong cách, cống hiến to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, với Đảng bộ, nhân dân tỉnh An Giang nói riêng, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tạo khí thế cách mạng, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tạo tinh thần thi đua sôi nổi trong toàn Đảng và xã hội, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, học tập, lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

 

Thu Hương – Chi bộ Khối Hình sự

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print