An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống nhân dân

(ĐCSVN) – Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2024 “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống nhân dân” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Ngọc Hân) 

Ngày 12/01, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Chuyên đề năm 2024 “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống nhân dân” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị.

Ngoài điểm cầu chính tại Văn phòng Tỉnh ủy, hội nghị còn được kết nối đến 230 điểm cầu cấp huyện, cấp xã với tổng số gần 14.000 đại biểu tham dự.

Điểm mới của Chuyên đề năm 2024 là gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Tôn. Theo đó, Chuyên đề cung cấp những nội dung cơ bản về tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống nhân dân; khái quát những kết quả chủ yếu, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả và những vấn đề đặt ra cần giải quyết; xác định những nội dung trọng tâm và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn để tiếp tục chăm lo đời sống nhân dân An Giang ngày càng tốt hơn.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Văn Nưng khẳng định việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2024 “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống nhân dân” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang cũng chia sẻ  9 vấn đề cụ thể gắn với các nội dung lý luận của Chuyên đề năm 2024, đề nghị các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm: Trước hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo điều kiện cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân; kế đến người đứng đầu cấp xã, phường, thị trấn phải nắm còn bao nhiêu hộ gia đình trên địa bàn mình phụ trách không đủ ăn để có giải pháp chăm lo, hỗ trợ; tiếp theo nữa là vấn đề mặc, đối với những người dân chưa đủ điều kiện về cái mặc, hiện nay nổi bật trên địa bàn tỉnh có mô hình “gian hàng không đồng” ai dư đến cho, ai thiếu đến nhận, cần nhân rộng mô hình này; tiếp nữa là vấn đề đi lại, trên địa bàn tỉnh nổi bật với đề án xã hội hóa cầu giao thông nông thôn, rồi phong trào Nhà nước và Nhân dân cùng làm những tuyến đường giao thông nông thôn, người đứng đầu cấp xã sắp tới cần rà soát, nắm còn bao nhiêu cầu nông thôn cần xây dựng để phục vụ nhu cầu đi lại cơ bản, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân;

Về học hành, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Nưng tuyệt đối không chấp nhận còn một trẻ em nào trên địa bàn tỉnh không có điều kiện đến lớp, các địa phương cần rà soát để tuyệt đối không xảy ra vấn đề này. Đồng chí cũng nhấn mạnh địa phương có hệ thống quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ tiếp sức tài năng vận hành, hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, các địa phương cần tiếp tục quan tâm, rà soát để đảm bảo quỹ khuyến học, khuyến tài tại địa phương, địa bàn mình phụ trách hoạt động hiệu quả, đúng quy định, trao đến đúng đối tượng;

Các địa phương cần rà soát các tụ điểm vui chơi, giải trí đảm bảo an ninh, an toàn, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, nơi nào đã thực hiện tốt rồi cần thực hiện tốt hơn nữa, nơi nào chưa có phải tổ chức xây dựng cho bằng được; về việc làm, cái chính là phải đào tạo nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các địa phương cần thực hiện quyết liệt nội dung này, làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sinh ra các tiêu cực, tệ nạn xã hội; về khám, chữa bệnh, hệ thống y tế trong tỉnh cần quyết tâm hơn nữa trong việc chăm lo sức khỏe cho bà con, cần tạo lòng tin cho bà con đối với hệ thống cơ sở y tế của tỉnh; cuối cùng cần quan tâm chu đáo khi người dân mất đi, nhân rộng các mô hình đội mai táng từ thiện, nghĩa trang nhân dân,… 

Từng địa phương phải có kế hoạch, đề án, cộng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện tốt 9 nhiệm vụ chăm lo cho người dân, song song đó là thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, khen thưởng, nhân rộng mô hình hay cách làm hiệu quả, có báo cáo kết quả triển khai thực hiện về tỉnh qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để bao cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy;…  

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lê Văn Nưng yêu cầu phát động phong trào sâu rộng trong từng đơn vị, địa phương thực hiện những việc làm cụ thể, thiết thực để chăm lo đời sống cho Nhân dân; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách, thường xuyên của các cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo và kết thúc Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Thị Thanh Hương đề nghị trên cơ sở nội dung Chuyên đề năm 2024 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, triển khai và nội dung ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tại hội nghị, đề nghị cấp ủy, địa phương quan tâm tổ chức, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất để Chuyên đề năm 2024 về chăm lo đời sống nhân dân thật sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực./.

 

Theo trang tin: dangcongsan.vn

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print