Trong tác phẩm “Nguyên tắc song trùng lãnh đạo và vấn đề pháp chế”, V.I.Lênin đã chỉ ra trở ngại lớn nhất đối với việc xây dựng chế độ pháp trị chính là sự can thiệp của địa phương xuất phát từ động cơ tư lợi hoặc cục bộ địa phương và sự “Song trùng” lãnh đạo trong lĩnh vực pháp chế là một sai lầm về nguyên tắc. Theo V.I.Lênin, pháp chế là phải thống nhất để đấu tranh có hiệu quả với chủ nghĩa cục bộ địa phương thì phải thành lập cơ quan Viện Kiểm sát có quyền và phận sự làm một việc “Bảo đảm cho pháp chế được hiểu biết thống nhất và thông suốt trong toàn nước cộng hoà, bất kể những đặc điểm của địa phương và sự can thiệp của nhà chức trách địa phương”. Trên cơ sở đó, Hiến pháp 1959 của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi nhận thiết chế Viện Kiểm sát nhân dân để thực hiện sứ mệnh trên.
Ngày 15/7/1960, tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Khoá II) đã thông qua Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố ngày 26/7/1960. Tại Hội nghị triển khai công tác ngày 02/8/1960, Đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh đến sự cần thiết và trách nhiệm to lớn của Viện Kiểm sát nhân dân “Việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân chính là để đảm bảo nhiệm vụ chuyên chính dân chủ nhân dân được tôn trọng, luật pháp được tôn trọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân được tôn trọng…”.
Thực hiện sứ mệnh đó, qua các thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Kiểm sát nhân dân đã từng bước quán triệt đầy đủ hơn chức năng và nhiệm vụ kiểm sát, bám sát các nhiệm vụ chính trị, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần cũng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và trở thành một nhân tố không thể thiếu được trong việc bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh. Với những kết quả đã được trong nhiều năm qua, ngành Kiểm sát đã khẳng định được vị thế của mình, là một tường thành vững chắc để đấu tranh với tội phạm, phối hợp với các lực lượng chức năng giữ vững an ninh chính trị; kiểm sát các cơ quan tư pháp chặt chẽ. Qua đó đã khẳng định, cũng cố được tầm quan trọng là một lực lượng nồng cốt trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm gần đây, ngành Kiểm sát đối diện với số lượng án ngày càng tăng, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi; những tranh chấp về dân sự, hành chính ngày càng nhiều, yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết án được áp dụng; công tác phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, việc đào tạo, tuyển dụng được thực hiện liên tục nhưng chưa đáp ứng ngay được yêu cầu của Ngành mà cần thêm thời gian rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm.
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội – Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực của ngành Kiểm sát nhân dân
Vì vậy mà những thách thức đặt ra cho ngành Kiểm sát là rất lớn. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm, bản lĩnh chính trị vững vàng được kế thừa từ truyền thống vẻ vang của Ngành, mỗi cán bộ Kiểm sát luôn nỗ lực trên nhiều phương diện để có thể đảm bảo yêu cầu công việc, từ đó góp phần cùng toàn Ngành tạo nên những thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm; xây dựng các cơ quan tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao
Từ vượt khó để thực hiện nhiệm vụ, sự cố gắng của công chức kiểm sát không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành nhiệm vụ mà đáng mừng hơn hết là nhận được sự tin cậy và trở thành chỗ dựa tinh thần của Nhân dân. Những thành tựu đạt được đã tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp đã được các thế hệ công chức Kiểm sát dày công vun đắp “Nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ Nhân dân”.
Năm 2024, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, kế hoạch, chương trình của Đảng về cải cách tư pháp; nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Với nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kế hoạch số 11-KH/TW, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tập trung hoàn thành tốt các đề án Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được giao chủ trì thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền theo đúng yêu cầu. Với tâm thế sẵn sàng, ngày 18/12/2023 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị về Công tác kiểm sát năm 2024 với phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm – kỷ cương, liêm chính – bản lĩnh, hiệu quả”, yêu cầu toàn ngành Kiểm sát nhân dân phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, coi trọng chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Tập thể Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thoại Sơn
Trong không khí hướng đến kỷ niệm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được và những khó khăn đã vượt qua, bản thân luôn tự hào vì được khoác lên mình màu áo thiên thanh. Với tinh thần sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ đã được kế thừa và phát huy trong suốt một chặng đường tôi luôn luôn tin rằng các công chức Kiểm sát: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, hy vọng nắng đừng tắt trên kẽ lá, để màu Kiểm sát mãi thiên thanh.
Mỹ Duyên – VKSND huyện Thoại Sơn (T)