Chào mừng kỷ niệm 61 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 – 26/7/2021) 45 năm xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát An Giang (23/4/1976 – 23/4/2021)

Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, những tưởng đất nước hòa bình, độc lập, Nhân dân sẽ được sống trong yên bình, hạnh phúc. Song, đây lại giai đoạn tình hình an ninh trật tự vô cùng phức tạp, bởi qua thời gian nằm im nghe ngóng, bọn tội phạm từng bước hoạt động trở lại. Nếu trong năm 1975 chỉ xảy ra vài chục vụ phạm pháp hình sự thì qua năm 1976 đã tăng lên hàng ngàn vụ. Đặc biệt trong đó có những vụ hoạt động chính trị dưới dạng hình sự, cướp của dân để nuôi bọn tàn quân phản động.

Trước bối cảnh tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp, nhận định cần thiết phải hình thành các Cơ quan tư pháp để đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, nhằm kịp thời răn đe, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, mang lại cuộc sồng bình yên, hạnh phúc của Nhân dân nên ngày 15/3/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành Sắc lệnh số 01/SL-76 quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát ở các tỉnh miền Nam.

Theo đó, ngày 16/4/1976, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang được thành lập để thực hiện chức năng xét xử các loại án theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. 

Cùng với hệ thống Tòa án nhân dân tỉnh ngày 23/4/1976, Bộ Tư pháp ban hành Nghị định số 09/BTP-NĐ thành lập 21 Viện KSND ở các tỉnh miền Nam, trong đó có Viện KSND tỉnh An Giang.

Đi vào hoạt động chỉ với 12 người, là cán bộ đang công tác tại các đơn vị khác như Công an, Tòa án, các ngành khác đã tham gia kháng chiến, có học lực khá và phẩm chất chính trị tốt. Ban đầu Viện KSND tỉnh An Giang đã gặp không ít khó khăn về nhân sự khi hầu hết cán bộ đều chưa có kinh nghiệm thực tế về công tác kiểm sát, chưa qua đào tạo, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, Viện KSND tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn khác như hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, nhiều chế định còn thiếu, chưa kịp ban hành; chưa có trụ sở làm việc riêng, phải sử dụng trụ sở chung với cơ quan khác; thiếu thốn mọi thứ về trang thiết bị, chế độ đãi ngộ trong thực hiện nhiệm vụ.

Trong khi bên ngoài, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế; tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp, nhiều tổ chức phản cách mạng hoạt động với âm mưu chống phá chính quyền cách mạng, như tổ chức vũ trang “Đảng khăn trắng” lợi dụng dân tộc Khmer chống phá; “Đảng Lạc Long Quân phục quốc” và gần 50 tổ chức phản động khác ra sức tập hợp lực lượng hình thành tổ chức với quyết tâm lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ, lớn nhất nhất trong số này là tổ chức “Sư đoàn 5 Thanh Long” chúng âm mưu bạo loạn vũ trang dịp tết năm 1977, “Mặt trận dân tộc Việt Nam phục quốc” của Nguyễn Văn Chức; “Liên đảng Cách mạng Việt Nam” do Hoàng Việt Cương cầm đầu; “Đảng nhân dân hành động” của Nguyễn Sĩ Bình; “Hội đồng Việt Nam cho một Việt Nam tự do” của Lê Phước Sang…

Với nhiệt huyết cao độ cùng sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, sự ủng hộ của Nhân dân… những cán bộ đầu tiên của ngành Kiểm sát An Giang đã sớm ổn định tư tưởng, an tâm công tác, dần dần khắc phục khó khăn, thiếu thốn, tập trung nghiên cứu, tự đào tạo, học tập, tăng cường trao đổi, quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, cố gắng phấn đấu hết mình hoàn thành nhiệm vụ.

Đến năm 1977, Viện KSND tối cao đã tăng cường cho An Giang 13 cán bộ chủ chốt đã được đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm công tác thực tiễn, trong đó có một số đồng chí là Kiểm sát viên cấp tỉnh. Ngoài ra, để nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ, Viện KSND tỉnh đã cử cán bộ chủ chốt đi học lớp ngắn hạn do Viện KSND mở tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trong và ngoài ngành. 

Bên cạnh đó, để ổn định, hỗ trợ cho tổ chức hoạt động, cũng trong năm 1977, các đoàn thể Công đoàn, Đoàn thanh niên Viện KSND tỉnh cũng được hình thành, đi vào hoạt động.

Để khắc phục khó khăn về chuyên môn, Viện KSND tỉnh An Giang đã khẩn trương chú trọng việc nghiên cứu, vận dụng pháp luật, phối hợp chặt chẽ với Công an, Tòa án kịp thời điều tra, truy tố, đưa ra xét xử, trừng trị nghiêm khắc nhưng đối tượng cầm đầu để trấn áp bọn gián điệp, bọn phản cách mạng, các tổ chức hoạt động bạo loạn vũ trang. Thông qua công tác kiểm sát chung, ngoài việc khởi tố hình sự, Viện KSND tỉnh còn tăng cường kiến nghị xử lý kỷ luật về Đảng, chính quyền nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm; Trong đảm bảo quyền tự do dân chủ của Nhân dân, đã trả tự do cho nhiều người bị bắt không đúng quy định của pháp luật, những cán bộ vi phạm đều bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Với nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác xây dựng Ngành, đến năm 1980, tất cả các Viện KSND hai cấp đều có trụ sở riêng và được nâng cấp, xây dựng mới; trang thiết bị được tăng cường đáng kể đảm bảo phục vụ các hoạt động thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành và bộ máy tổ chức hai cấp của Viện KSND tỉnh An Giang từng bước đi vào ổn định, hoạt động có hiệu quả. 

Trong suốt chặng đường 45 năm, lãnh đạo Viện qua các thời kỳ luôn chú trọng công tác giữ vững kỷ cương, xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật trong từng giai đoạn.

Trải qua 45 năm, nhất là trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay với sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt của Viện KSND tối cao và Tỉnh ủy An Giang, sự ủng hộ, giúp đỡ của Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực hết mình của tập thể công chức, người lao động hai cấp Kiểm sát tỉnh, Viện KSND tỉnh An Giang đã đạt những thành tựu vượt bậc trong công tác, cụ thể:

– Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự: 
Quán triệt các Chỉ thị của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp; về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai.. và nhất là Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013; số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 và số 09/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao, thực hiện 03 biện pháp tăng cường: “Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; các biện pháp phòng chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động TTHS  và các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”.  VKSND tỉnh An Giang đã chủ động, tích cực áp dụng nhiều biện pháp chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. 

Để chống oan: Ban lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp đã chỉ đạo Kiểm sát viên phải bám sát hoạt động điều tra ngay từ đầu và trong suốt quá trình điều tra nhằm kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, đảm bảo việc điều tra thu thập chứng cứ và đẩy nhanh tiến độ giải quyết án. Các trường hợp bị can kêu oan, vụ án phức tạp hoặc trường hợp cần thiết thì Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm đảm bảo cho việc xét phê chuẩn, truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kiểm sát chặt chẽ các trường hợp bắt, nhất là bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Không để xảy ra trường hợp nào khởi tố, bắt giam, giữ oan sai, đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội hoặc đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Để chống lọt: VKSND hai cấp, tăng cường trách nhiệm công tố ngay từ giai đoạn thụ lý, giải quyết tin báo về tội phạm; thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, có hiệu quả để nâng cao trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, kịp thời đánh giá chứng cứ, đề ra yêu cầu điều tra, yêu cầu khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Thực hiện tốt việc xem xét phê chuẩn, áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp hạn chế quyền con người; kịp thời đưa ra yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp tài liệu để làm rõ tội phạm, người phạm tội. Từ đó bảo đảm việc điều tra, xử lý tội phạm được chính xác, kịp thời, hạn chế mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm.

Tình hình vi phạm, tội phạm trên địa bàn tỉnh An Giang trong những năm qua diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn cho xã hội. Số lượng án VKSND hai cấp thụ lý tăng dần theo từng năm (năm 2010: 692 vụ 1.070 bị can đến năm 2020: 1.677 vụ 1.446 bị can), nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Ban lãnh đạo VKSND tỉnh, hai cấp Kiểm sát đã chủ động thực hiện vai trò công tố trong hoạt động điều tra, bám sát tiến độ điều tra nhằm tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm; kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền con người, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra; trực tiếp hoặc phối hợp với Cơ quan điều tra hỏi cung bị can, thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường đối với nhiều vụ án lớn, phức tạp…. Tỷ lệ khởi tố, điều tra giải quyết án đều tăng theo hàng năm, như: Năm 2010 tỷ lệ giải quyết 87,1%, thì năm 2011 tăng lên 87,7%….đến năm 2018 đạt 89,05% và năm 2020 đạt 92,5%, vượt chỉ tiêu của Ngành đề ra. Tỷ lệ án trả điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được kéo giảm theo từng năm.

Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành 78 kiến nghị đối với Cơ quan điều tra để khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra. Tất cả các kiến nghị đều được Cơ quan điều tra chấp nhận và khắc phục.  

Tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đều tăng mỗi năm, cụ thể như: Năm 2011, 2012, 2013 đạt 97,9%, thì đến năm 2014, 2015 tăng lên 98,61%, đến năm 2018 tăng lên 99,69% và năm 2019, 2020 đạt 100%, vượt chỉ tiêu của Ngành đề ra (trên 95%).

VKSND đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án hai cấp đã thống nhất chọn 313 vụ án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, đồng thời thực hiện tốt hoạt động kiểm sát xét xử và đã ban hành 89 kiến nghị; 69 thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ; 32 kháng nghị phúc thẩm.

Để nâng cao kỹ năng xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa nhằm đáp ứng theo yêu cầu cải cách tư pháp, VKSND và Tòa án nhân dân tỉnh đã phối hợp đề ra nhiều giải pháp và chủ trì xây dựng Quy chế phối hợp số 1331 ngày 17/3/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung ban hành Quy chế phối hợp số 1332 ngày 15/11/2019), về tổ chức các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm rút kinh nghiệm. Đã chọn, thực hiện 1.446 phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại rút kinh nghiệm. Thông qua việc tổ chức các phiên tòa rút nghiệm đã góp phần nâng cao bản lĩnh, trình độ chuyên môn, kỹ năng xét hỏi, tranh luận, đối đáp và văn hóa ứng xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, đã ban hành 35 Kiến nghị cơ quan Nhà nước phòng ngừa vi phạm, tội phạm. 

Với các biện pháp trên, chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử ngày càng được nâng lên; không có trường hợp nào Tòa án tuyên không phạm tội; Kiểm sát viên tự tin, thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp, tích cực, chủ động tham gia xét hỏi; tranh luận, đối đáp dân chủ với Luật sư và những người tham gia tố tụng; chất lượng luận tội, tranh tụng tại phiên tòa có tính thuyết phục, được Cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

– Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự
VKSND hai cấp đã duy trì kiểm sát bắt giữ hàng ngày, kiểm tra thân thể đối với 100% số người mới bị tạm giữ, tạm giam; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam trực tiếp kiểm sát, kiểm sát đột xuất hoạt động của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam Bộ Công an đóng trên địa bàn tỉnh, Cơ quan Thi hành án hình sự tỉnh, huyện. Kịp thời nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật và ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Do vậy, công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đảm bảo đúng quy định pháp luật, công tác quản lý người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân được nâng lên; chế độ quản lý, giám sát, giáo dục được thực hiện tốt; chế độ ăn ở, sinh hoạt và các quyền lợi hợp pháp của họ được đảm bảo.

– Công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động
+ Thực hiện kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Tòa án, người tiến hành tố tụng của Tòa án, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong suốt quá trình giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động. Trong 10 năm, số vụ, việc thụ lý tăng dần theo từng năm, năm 2010 tổng kiểm sát thụ lý là 4.937 vụ, việc, đến năm 2020 là 13.1269 vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động sơ thẩm, phúc thẩm.

 Xác định công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự, hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là công tác mũi nhọn có tính chất đột phá khi thực hiện chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, hành chính để bảo đảm việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính kịp thời, đúng pháp luật. Do đó hai cấp kiểm sát đã thực hiện đầy đủ, có chất lượng và hiệu quả các quyền của Viện kiểm sát, cụ thể là quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, đặc biệt chú trọng quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ khi nhận thấy chưa có đầy đủ căn cứ để giải quyết vụ việc một cách đúng đắn, khách quan, trên cơ sở đó thực hiện tốt quyền kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát.

VKSND hai cấp tỉnh và huyện đã phát hiện, tổng hợp và ban hành 260 văn bản kiến nghị với Tòa án và các cơ quan hữu quan yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng dân sự, hành chính như chậm gửi các văn bản tố tụng; vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn chuyển hồ sơ và quyết định án phí chưa đúng quy định… và các vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, liên quan đến việc giải quyết các vụ tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Kịp thời phát hiện nhiều bản án, quyết định sơ thẩm và phúc thẩm có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và nội dung, Hai cấp kiểm sát đã ban hành kháng nghị theo trình tự phúc thẩm 240 vụ. 

–  Công tác xây dựng Ngành 
Trong quản lý, chỉ đạo điều hành, Lãnh đạo VKSND hai cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem trọng tính chủ động, sáng tạo, sâu sát trong quản lý, chỉ đạo, điều hành trong từng lĩnh vực công tác, địa bàn được phân công theo dõi. Luôn chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với Thường trực Cấp ủy trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương và mối quan hệ phối hợp với các Cơ quan tư pháp cùng cấp. 

Tổ chức triển khai nghiêm túc các Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, về thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014 trong ngành Kiểm sát nhân dân, về công tác tư pháp nhằm quán triệt, triển khai đầy đủ các nội dung đến Công chức, Kiểm sát viên VKSND hai cấp tỉnh và huyện, tạo sự thống nhất về nhận thức và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các quy định của Luật, nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân trong Bộ máy Nhà nước.
Tiếp tục quán triệt xây dựng các kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH3 ngày 23/11/2012; số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013; số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và Nghị quyết 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015    của Quốc hội, về Công tác tư pháp; tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động TTHS. Cùng với việc triển khai thực hiện các Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013; số 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 và số 09/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao, thực hiện 03 biện pháp tăng cường: “Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; các biện pháp phòng chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động TTHS và các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa” đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra; kiểm sát 100% tin báo về tội phạm từ giai đoạn thụ lý, giải quyết và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội; chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”,  Ban lãnh đạo VKSND đã triển khai thực hiện cuộc vận động đến tất cả công chức, Kiểm sát viên VKSND hai cấp; đồng thời vận động 100% công chức cam kết đăng ký thực hiện cuộc vận động. 

Hàng năm, thực hiện Kế hoạch của Ngành, Đề án của Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng, Ban lãnh đạo Viện luôn chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ, ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là cán bộ thuộc diện quy hoạch, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc, đồng thời chú trọng hơn trong đào tạo công chức có trình độ sau đại học và thực hiện chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Vì vậy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý của Công chức, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát An Giang ngày càng được nâng cao. 

Công tác thanh tra, kiểm tra luôn bám sát chương trình, kế hoạch đề ra, tích cực thực hiện kiểm tra thường xuyên việc chấp hành kỷ luật nội vụ; phối hợp với các phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh thực hiện thanh tra toàn diện; thanh tra công vụ, nghiệp vụ; thanh tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm tại VKSND cấp huyện và phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh. Qua thanh tra, đơn vị đã ghi nhận những mặt tích tực cũng như những mặt còn hạn chế, tham mưu Viện trưởng ban hành Thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, để các đơn vị thuộc VKSND tỉnh rút kinh nghiệm chung. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần giữ vững trật tự, kỹ cương trong kỹ luật nghiệp vụ, kỹ luật nội vụ và phòng ngừa vi phạm.

Căn cứ Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”; Chỉ thị về công tác Thi đua, khen thưởng của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh. VKSND tỉnh xây dựng Kế hoạch thi đua, khen thưởng hàng năm, trong đó, xác định rõ mục tiêu, nội dung và thời gian phát động thi đua để Công chức, Kiểm sát viên trong Ngành phấn đấu thực hiện. Đồng thời, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn do VKSND tối cao phát động. VKSND tỉnh còn chủ động gắn kết phong trào thi đua của địa phương, của các tổ chức đoàn thể để tổ chức và triển khai phát động nhiều đợt thi đua ngắn hạn…. Qua mỗi phong trào thi đua đã kịp thời sơ kết, tổng kết để kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc, tiêu biểu nhằm động viên, khích lệ tạo không khí thi đua sôi nổi trong mỗi cá nhân, đơn vị. 

Quá trình tổ chức các phong trào thi đua, hai cấp kiểm sát đều gắn kết với việc thực hiện các chủ trương và cuộc vận động lớn của Đảng, như: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với công tác rèn luyện 5 đức tính người cán bộ Kiểm sát mà Bác Hồ đã dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Luật gia, Hội Cựu chiến binh, Ban Nữ công…nhằm đưa phong trào thi đua phát triển sâu rộng trong toàn Ngành và thông qua Hội nghị cán bộ, công chức, ký kết giao ước thi đua; báo cáo, đăng ký các danh hiệu theo đúng quy định.

Kết quả thực hiện các phong trào thi đua, đã có nhiều tập thể được các danh hiệu, hình thức khen thưởng như: Huân chương Lao động, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân, Cờ thi đua của UBND tỉnh, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, Ban, ngành liên quan… Nhiều cá nhân điển hình, tiêu biểu được công nhận Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân, Chiến sỹ thi đua cơ sở…

Các giải pháp, biện pháp để đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong những năm qua
Một là, luôn nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Ngành, bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, thời kỳ cách mạng. 

Trong xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch công tác hàng năm, luôn bám sát Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, yêu cầu chính trị của Cấp ủy địa phương trong từng giai đoạn, để xây dựng và triển khai kế hoạch công tác. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu từng Công chức, Kiểm sát viên phải nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng. Mọi hoạt động thực hiện chức năng của Viện kiểm sát phải tuân theo luật định, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và phải phục vụ thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội; Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát theo yêu cầu của Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp; đồng thời quán triệt và thực hiện nghiêm Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, để từ đó đề ra phương hướng, kế hoạch công tác kiểm sát phù hợp. 

Hai là, luôn đổi mới về tổ chức và hoạt động trong công tác kiểm sát.
Lãnh đạo Viện thường xuyên đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, triển khai có trọng tâm, trọng điểm biện pháp công tác để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trên các lĩnh vực, như:
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự phải tập trung kiểm sát 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố từ giai đoạn tiếp nhận, thụ lý, giải quyết và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật TTHS; có căn cứ, đúng người, đúng tội; tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án… VKSND hai cấp luôn chủ động, linh hoạt sử dụng đầy đủ các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo luật định. Đồng thời, đổi mới các phương pháp để phát hiện kịp thời, đầy đủ, chính xác các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp để kháng nghị, kiến nghị khắc phục các vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp và phòng ngừa chung.

Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ Công chức, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh.
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, nhất là đối với yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay, nhằm xây dựng một đội ngũ Công chức, Kiểm sát viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết kiến thức quản lý kinh tế, xã hội, có tinh thần trách nhiệm cao, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do vậy, tập thể lãnh đạo Viện thường xuyên rà soát đội ngũ Công chức, kiểm sát viên hai cấp để đánh giá đúng thực trạng trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nắm vững các quy định của pháp luật; tạo nguồn những cán bộ có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn để thi chức danh tư pháp Kiểm sát viên nhằm đáp ứng khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu càng cao. Hàng năm, Công chức, Kiểm sát viên đều được đánh giá về kết quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ; trường hợp còn hạn chế về trình độ, năng lực đều được quan tâm bồi dưỡng để nâng cao năng lực công tác. Bên cạnh đó, yêu cầu Công chức, Kiểm sát viên phải có ý thức nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, tự nghiên cứu, tự học tập để nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng; quán triệt đầy đủ những chủ trương của cấp ủy Đảng về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; đồng thời rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ kiểm sát mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”, gắn với “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành tại địa phương. 

Bốn là, luôn tranh thủ sự chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao, sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Cấp uỷ các huyện, thị xã, thành phố đối với VKSND hai cấp; tăng cường sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng trong định hướng hoạt động của Ngành, để kịp thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy đảng theo Chỉ thị 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc”; công tác phòng chống tham nhũng và định hướng cải cách tư pháp, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành; xây dựng các Chi bộ, Đảng bộ Viện kiểm sát và các đoàn thể thực sự trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ, chính trị của địa phương.

Năm là, Tăng cường sự phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm.

Khi thực hiện chức năng của mình, VKSND đã xây dựng tốt mối quan hệ và chủ động xây dựng các Quy chế phối hợp với các Cơ quan có liên quan như: Phối hợp giữa VKSND, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang về việc tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm; với Thanh tra tỉnh quy định về việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra; với Tòa án nhân dân tỉnh về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp. Ngoài ra, còn ký kết Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân và VKSND tỉnh An Giang về phối hợp trong công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật… nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành theo quy định của pháp luật.

Sáu là, công tác kiểm sát luôn dựa vào Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và các cơ quan báo chí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân.
Xác định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và do Nhân dân làm chủ, “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” như Hiến pháp năm 2013 quy định. Trong hoạt động thực hiện chức năng của mình, VKSND hai cấp phải có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân… khi tiến hành hoạt động kiểm sát luôn quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”, luôn “tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Nhân dân” trong giải quyết các vụ án hình sự, hay vụ việc dân sự… thật sự thận trọng và khách quan để giải quyết công việc thấu tình, đạt lý. Ngoài ra, còn phải chịu sự giám sát của Nhân dân, Hội đồng nhân dân, lắng nghe ý kiến của Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội. Công tác kiểm sát cần phối hợp với cơ quan báo chí và thông tin để tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật.

Bảy là, Chú trọng xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, phát huy sáng kiến cải tiến trong công tác, tổ chức tập huấn, ứng dụng vào thực tiễn.
Ban lãnh đạo VKSND tỉnh, luôn chú trọng đến việc đào tạo tại chỗ, mà một trong những giải pháp hiệu quả, mang tính toàn diện, nhất là xây dựng những chuyên đề có ý nghĩa thiết thực, bổ ích về đối với Công chức, Kiểm sát viên như kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, kỹ năng nhận diện những vi phạm phổ biến thông qua hoạt động kiểm sát, kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa … đồng thời, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị trực tuyến hoặc trực tiếp về nghiệp vụ hình sự, dân sự, hành chính, đưa ra nhiều tình huống và đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó, giúp Công chức, Kiểm sát viên nghiên cứu, học hỏi, tích lũy nhanh những kinh nghiệm trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; nắm vững và áp dụng đúng các quy định của pháp luật, các quy chế nghiệp vụ của Ngành; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng kiểm sát, vận dụng linh hoạt, nhạy bén, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công việc. 

Cùng với việc xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, Lãnh đạo Viện luôn quan tâm, lắng nghe, tạo điều kiện cho Công chức, Kiểm sát viên phát huy tính dân chủ, tính chủ động, sáng tạo trong công tác, nên nhiều sáng kiến cải tiến được ứng dụng trong công tác như: Phần mềm hệ thống các văn bản pháp luật hình sự, dân sự, hành chính và các Quy chế, biểu mẫu nghiệp vụ; quản lý đơn khiếu nại, tố cáo; quản lý văn thư…

Tám là, phát huy vai trò lãnh đạo đơn vị và thi đua phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất của Ngành.
Xác định một tập thể đoàn kết và phát triển vững mạnh toàn diện là một tập thể luôn có sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất cao về ý chí và hành động; luôn trong sạch vững mạnh về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và thường xuyên tham gia tốt các hoạt động phong trào thi đua.

Do vậy, tập thể Lãnh đạo và đội ngũ Công chức, Kiểm sát viên từng đơn vị qua các thời kỳ đều xây dựng được sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất cao về ý chí và hành động trong thực thi công vụ. Trước hết người đứng đầu đơn vị xây dựng được cơ chế quản lý, điều hành cho phù hợp, luôn có sự thống nhất về ý chí, hành động và mục tiêu chung; thường xuyên có sự phối hợp hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực công tác, nhằm thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ của đơn vị. Đặc biệt người cán bộ quản lý phải không ngừng hoàn thiện mình để trở thành thủ lĩnh của từng tổ chức; xây dựng tốt các mối quan hệ thân ái trong các tổ chức đoàn thể; khoan dung, độ lượng, thương yêu, tin cậy lẫn nhau… tạo bầu không khí luôn ấm áp tình đồng chí, đồng nghiệp; luôn đi đầu gương mẫu trong mọi lĩnh vực và là trung tâm gắn kết từng Công chức, Kiểm sát viên với nhau tạo thành một tập thể thống nhất luôn nhiệt tình, hăng hái với các phong trào thi đua, chủ động trong sáng kiến cải tiến trong công tác xây dựng nên niềm tin, tinh thần đoàn kết và luôn quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chín là, tăng cường điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho VKSND hai cấp; quan tâm giải quyết chính sách thoả đáng cho Công chức, Kiểm sát viên.
Tăng cường điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật do Ngành trang bị cho đơn vị, cho Công chức, Kiểm sát viên hai cấp là nhu cầu hết sức thiết thực. Đến nay, toàn bộ Công chức đều có máy vi tính để bàn, riêng Kiểm sát viên khi xét xử đều được trang bị máy tính xách tay và các phần mềm phụ trợ, hồ sơ đã được số hóa.. để phục vụ cho công tác xét xử.

Đồng thời, luôn có chính sách thỏa đáng nhằm khuyến khích Công chức, Kiểm sát viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những đề xuất đúng đắn, những việc làm hay, chủ động cải tiến trong công tác để khen thưởng kịp thời và nhân rộng các điển hình để VKSND hai cấp học tập như biểu dương, khen thưởng…. Ngoài ra, Lãnh đạo Viện cũng quan tâm, cùng toàn Ngành hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ Ngành lúc khó khăn trong cuộc sống.

Ngoài ra, qua công tác tổ chức vận động cán bộ, công chức trong cơ quan thực hiện các nghĩa vụ và tham gia các họat động xã hội, đóng góp các nguồn quỹ như Quỹ xã hội từ thiện, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ mái ấm công đoàn, Quỹ khuyến học; Quỹ An sinh xã hội, vận động cán bộ, công chức trích lương ủng hộ Quỹ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, ủng hộ đồng bào bị bão lụt… luôn được tất cả đoàn viên hưởng ứng tích cực trên tinh thần uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái khi gặp khó khăn. Đặc biệt, hằng năm đều vận động công chức, đoàn viên đóng góp, xây dựng 02 căn nhà “Đại đoàn kết”, “Mái ấm ATV” cho người nghèo, từ năm 2010 đến nay đã xây được 16 căn nhà cho người nghèo.

Qua 45 năm xây dựng, trưởng thành, VKSND tỉnh An Giang luôn bám sát vào các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 08-NQ/TW, số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp và chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm; Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao; Nghị quyết của Cấp ủy Đảng và Hội đồng nhân dân địa phương để triển khai thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ngành, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương ở từng thời kỳ cách mạng. Nổi bật trong 10 năm trở lại đây, tình hình tội phạm hàng năm đều phát sinh tăng, các tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, hành chính cũng phát sinh tăng. Nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.. VKSND hai cấp, tham mưu đắc lực cho Cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý nghiêm các vụ án lớn, phức tạp, án trọng điểm, án được dư luận xã hội quan tâm được Cấp ủy địa phương tín nhiệm.

Với những thành tích nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh 08 lần được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ (2011, 2012, 2013, 2014, 2017, 2018 và 2019, 2020), 04 lần được tặng Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân (2009, 2015, 2016).  Đặc biệt năm 2020 được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Với niềm tin mạnh mẽ vào vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước, Viện KSND tỉnh An Giang sẽ tiếp tục có nhiều sự nỗ lực, phấn đấu vượt bậc trong thời gian tới để đóng góp thành tích nhiều hơn trong tiến trình cải cách tư pháp, tiến đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Share on facebook
Facebook
Share on print
Print